Buồn công việc, nhân viên y tế một Viện ở TPHCM uống 20 viên Mimosa ngộ độc

Biên Thùy

(Dân trí) - Người nhà bệnh nhân cho biết, nam nhân viên y tế phụ trách bộ phận pháp chế của một Viện đóng trên địa bàn TPHCM vì buồn chuyện cá nhân và công việc đã uống khoảng 20 viên thuốc Mimosa, gây ngộ độc.

Tối 18/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Bệnh viện quận Phú Nhuận cho biết, nơi đây vừa cấp cứu một trường hợp ngộ độc vì dùng thuốc quá liều.

Bệnh nhân là ông T.T.B. (36 tuổi, ngụ TPHCM). Theo nguồn tin của phóng viên, ông B. là nhân viên y tế phụ trách Tổ pháp chế của một Viện đóng trên địa bàn TPHCM.

Theo lời kể từ gia đình, cách thời điểm vào viện 5 giờ, ông B. tự uống khoảng 20 viên thuốc Mimosa (một loại thuốc an thần) vì buồn chuyện cá nhân và công việc. Sau đó, bệnh nhân thấy buồn nôn, chóng mặt nên được người nhà đưa vào bệnh viện.

Buồn công việc, nhân viên y tế một Viện ở TPHCM uống 20 viên Mimosa ngộ độc - 1

Thuốc an thần Mimosa (Ảnh: BN).

Tại thời điểm tiếp nhận, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, các xét nghiệm và tình trạng tim mạch chưa ghi nhận bất thường hay dấu hiệu nặng.

Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành cấp cứu ngộ độc thuốc theo phác đồ (gồm rửa dạ dày, truyền dịch, uống than hoạt...). Sau khi được điều trị tích cực, theo dõi trong 5 giờ, dù bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị nhưng người đàn ông kiên quyết xin về, với lý do đã tỉnh táo, sức khỏe ổn định hơn.

Các bác sĩ cho biết, thông thường đối với thuốc hướng thần có nguồn gốc hóa học, khi nạn nhân bị ngộ độc sẽ có tình trạng nặng nề hơn. Trong trường hợp trên, bệnh nhân dùng Mimosa, loại thuốc có nguồn gốc thảo dược nên mức độ nhìn chung là ít nặng hơn.

Tuy nhiên, không vì thế mà người dân có thể xem nhẹ, vì khi uống quá liều vẫn có thể gây ngộ độc nặng nguy hiểm.

"Cho đến nay, có rất ít báo cáo nghiên cứu về độ nặng của Mimosa. Cũng cần nói thêm Mimosa là thuốc không cần kê toa, người bệnh có thể mua tự do, nên cần quan tâm hơn nữa về khâu quản lý thuốc", nguồn tin chia sẻ.

Để tránh tình huống tương tự xảy ra, bác sĩ khuyên những gia đình có người thân đang sử dụng thuốc nói chung, thuốc an thần nói riêng cần có phương án bảo quản thuốc kỹ lưỡng. Bệnh nhân phải uống thuốc theo toa của bác sĩ và đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.

Theo Sở Y tế TPHCM, thực tế có rất nhiều nhân viên y tế bị hội chứng "burn-out" (được hiểu là sự suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng).

Theo phân loại bệnh quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người bị hội chứng "burn-out" thường cảm thấy bị kiệt sức, hoài nghi về công việc của chính họ và hiệu quả công việc giảm hẳn, hậu quả là khiến bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm.

Mặc dù hội chứng trên có thể được can thiệp điều trị tích cực, nhưng ngăn chặn nó ngay từ đầu là tốt nhất.

Bệnh viện cần cung cấp chương trình hỗ trợ sức khỏe cho nhân viên, như cung cấp dịch vụ tư vấn của các chuyên gia tâm lý và thần kinh qua điện thoại.

Về phía nhân viên y tế, có một số phương pháp để giảm căng thẳng, như giữ cho cuộc sống nghề nghiệp và cuộc sống gia đình tách biệt nhau.

Nên dành thời gian cho việc tự chăm sóc bản thân bằng cách duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục và nghỉ ngơi đầy đủ. Song song đó, có thể tận hưởng sở thích và đầu tư vào các kỹ thuật thư giãn, như thiền hoặc viết nhật ký.

Sở Y tế TPHCM cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với tổ chức Family Health International (FHI 360) trong việc phối hợp triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế trên địa bàn.