Từ vụ nhân viên y tế uống 20 viên Mimosa ngộ độc: Những sự thật "giật mình"
(Dân trí) - Dưới 60% nhân viên y tế được khảo sát thừa nhận có khó khăn về tâm lý. Đáng chú ý, nhiều người trong số họ tìm cách xử lý vấn đề sức khỏe tâm thần của bản thân bằng cách… xem bói.
Báo động tình trạng nhân viên y tế rối loạn tâm thần
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 Giang Ngọc Thụy Vy, Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam cung cấp số liệu: Ở Âu - Mỹ, cứ 4-5 người có 1 người bị rối loạn tâm thần. Còn theo khảo sát tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM năm 2023, tỷ lệ trầm cảm, lo âu được ghi nhận ở những người đến khám lần lượt là 35,6% và 25,9%.
Các thống kê cho thấy, chỉ 1/4 người gặp vấn đề về SKTT chịu chia sẻ tình trạng của mình mà không giấu. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là việc kỳ thị.
Cụ thể, có nhiều người cho rằng bệnh tâm thần là bị "tà", quả báo. Ngoài ra còn có yếu tố đánh đồng, thấy một người bị bệnh lý tâm thần có yếu tố bạo lực là suy nghĩ tất cả người tâm thần đều vậy. Từ đây dẫn đến định kiến suy nghĩ, biểu hiện bằng hành vi phân biệt, đối xử bất lợi, bất công.
Với nhân viên y tế, tình trạng rối loạn tâm thần càng báo động đã diễn ra từ trước Covid-19, khi tỷ lệ kiệt sức nghề nghiệp trong nhân viên y tế lên đến 42%, trầm cảm là 18%.
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng trên cho nhân viên y tế, như: khối lượng công việc lớn; thời gian làm việc dài, phải trực đêm, ngày lễ - Tết; các quy tắc chặt chẽ của nghề; không đủ thời gian dành cho gia đình, nghỉ ngơi, thư giãn; chưa được hỗ trợ SKTT ở nơi làm việc.
Trong một khảo sát được thực hiện tại TPHCM, dưới 60% nhân viên y tế thừa nhận khó khăn về tâm lý. Rất ít người nhìn nhận khó khăn về bản thể là biểu hiện khó khăn về SKTT, mà chỉ xem là tính cách. Nhiều y bác sĩ cũng quan tâm các khó khăn về thể chất hơn khó khăn tinh thần.
Giải pháp thế nào để xử lý vấn đề sức khỏe tâm thần?
Đáng chú ý, có tình trạng các nhân viên y tế tự tìm cách xử lý vấn đề SKTT của bản thân bằng cách… xem bói, xem bài tarot. Điều này diễn ra trong bối cảnh, nước ta hiện thiếu các chương trình hỗ trợ về SKTT. Nhiều nhân viên y tế cũng không hiểu rõ các chính sách hỗ trợ SKTT tại TPHCM và Việt Nam.
Ngoài ra, có tình trạng từ sự kỳ thị của cộng đồng chuyển thành nội hóa, tự kỳ thị. Cụ thể, nếu như mắc bệnh, bản thân bệnh nhân cũng tự xấu hổ, thấy mình giảm giá trị, mang suy nghĩ tại sao phải cố gắng, thay đổi để làm gì… dẫn đến không tiếp cận các dịch vụ tự chăm sóc.
"Có người nói luôn, rằng họ chỉ bước vào phòng khám tâm thần thôi là sợ bị kỳ thị lập tức, sợ người ta đánh giá mình bị tâm thần, sợ khó khăn trong thời gian và chi phí điều trị…", bác sĩ Vy dẫn chứng.
Việc gặp vấn đề về SKTT có thể gây ra các hậu quả tùy mức độ cho nhân viên y tế. Gần nhất, anh T.B., nam nhân viên y tế làm việc tại một Viện ở TPHCM đã phải đi cấp cứu do uống thuốc quá liều.
Theo lời kể từ gia đình, cách thời điểm vào viện 5 giờ, anh B. tự uống khoảng 20 viên thuốc Mimosa (một loại thuốc an thần) vì buồn chuyện cá nhân và công việc. Sau đó, bệnh nhân thấy buồn nôn, chóng mặt nên được người nhà đưa vào bệnh viện.
Nam nhân viên y tế được các bác sĩ tiến hành cấp cứu ngộ độc thuốc theo phác đồ (gồm rửa dạ dày, truyền dịch, uống than hoạt...). Sau khi điều trị tích cực, theo dõi trong 5 giờ, dù bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị nhưng người đàn ông kiên quyết xin về, với lý do đã tỉnh táo, sức khỏe ổn định hơn.
Chuyên gia kiến nghị, để vượt qua kỳ thị SKTT cần có nhiều giải pháp. Đầu tiên, tăng nhận thức sức khỏe, bệnh lý tâm thần tác động thế nào đến sức khỏe con người. Kế đến, dừng sử dụng, thay thế những từ dán nhãn cho SKTT.
Song song đó, cần giáo dục bản thân và người khác dựa trên thực tế, xử lý những tin đồn, khuôn mẫu sai lệch. Ngoài ra, cần cởi mở chia sẻ về SKTT, có cách trò chuyện phù hợp với người mắc bệnh tâm thần; tập trung những điều tích cực; cùng hỗ trợ, động viên tất cả mọi người.
Tại tọa đàm trực tuyến "Phá vỡ rào cản, vượt qua định kiến và kỳ thị về chăm sóc sức khỏe tâm thần", do ngành y tế TPHCM tổ chức mới đây, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 Giang Ngọc Thụy Vy cho biết, sau đại dịch Covid-19 người mắc rối loạn trầm cảm và lo âu tăng gần 25%.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, một hệ thống y tế hiệu quả, khỏe mạnh khi nhân viên y tế khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.
Suốt thời gian qua, thông qua chương trình dự án EPIC của FHI 360 (tổ chức Family Health International), ngành y tế TPHCM đã triển khai các hoạt động liên quan đến vấn đề SKTT cho nhân viên y tế.
Một trong những vấn đề rào cản là định kiến, để nhân viên y tế và cả lãnh đạo các cơ sở có thể thừa nhận mình gặp vấn đề SKTT, cần được hỗ trợ.
Do đó, tọa đàm sẽ đưa ra các phân tích sâu hơn, để tìm ra giải pháp phá vỡ định kiến, để việc hỗ trợ SKTT cho nhân viên y tế đạt được những hiệu quả tốt hơn.