Thấy gì khi cuộc gọi cấp cứu 115 ở TPHCM tăng gấp 40 lần so với trước đây?
(Dân trí) - Sở Y tế TPHCM cho biết, số cuộc gọi cấp cứu qua tổng đài 115 đã tăng gấp 40 lần so với thời điểm năm 2013 trở về trước, cho thấy dịch vụ cấp cứu ngoại viện đã tạo dựng được niềm tin đến người dân.
Ngày 10/2, Sở Y tế TPHCM cho biết, việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là giải pháp chiến lược để các thành phố lớn, đông dân giải quyết các thách thức về y tế, giao thông, và đô thị hóa.
Số cuộc gọi cấp cứu 115 ở TPHCM tăng gấp 40 lần
Tại TPHCM, ở thời điểm trước năm 2013, hoạt động cấp cứu ngoại viện trên địa bàn chỉ do một bệnh viện đảm trách (Bệnh viện Trưng Vương). Với nguồn lực chỉ có 5 xe cứu thương, mỗi năm đơn vị trên chỉ tiếp nhận khoảng 5.000 cuộc gọi, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Trước thực trạng này, ngành y tế đã tham mưu lãnh đạo TPHCM thành lập Trung tâm Cấp cứu 115, đồng thời kêu gọi sự tham gia tình nguyện của các bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân theo mô hình làm trạm cấp cứu vệ tinh, đặt ngay tại các khoa cấp cứu của bệnh viện.
![Thấy gì khi cuộc gọi cấp cứu 115 ở TPHCM tăng gấp 40 lần so với trước đây? - 1 Thấy gì khi cuộc gọi cấp cứu 115 ở TPHCM tăng gấp 40 lần so với trước đây? - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/FiDSKZOaMS3KnnuZmP0YUIFbZ0E=/thumb_w/1020/2024/08/20/trung-tam-cap-cuu-115-tphcm-edited-1724134833726.jpeg)
Xe cấp cứu ngoại viện tại Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Các bệnh viện công lập và tư nhân tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh theo 3 loại hình. Loại hình 1 là toàn bộ nguồn nhân lực, phương tiện, thiết bị của trạm cấp cứu đều do bệnh viện tham gia tự đảm trách.
Với loại hình 2, Trung tâm Cấp cứu 115 và bệnh viện sẽ phối hợp về nguồn nhân lực, phương tiện, thiết bị của trạm cấp cứu. Còn với loại hình 3, toàn bộ nguồn nhân lực, phương tiện, thiết bị của trạm cấp cứu do Trung tâm Cấp cứu 115 đảm trách, bệnh viện hỗ trợ cơ sở hạ tầng.
Qua từng năm, số trạm cấp cứu vệ tinh không ngừng gia tăng. Đến nay, TPHCM đã có 44 trạm cấp cứu vệ tinh, với số lượng cuộc gọi cấp cứu qua tổng đài 115 tăng gấp 40 lần so với thời điểm năm 2013 trở về trước.
Sở Y tế TPHCM nhận định, điều này cho thấy dịch vụ cấp cứu ngoại viện của địa phương đã tạo dựng được niềm tin đến người dân.
Bên cạnh đó, địa phương đã từng bước triển khai các loại hình cấp cứu chuyên sâu, như cấp cứu người bệnh tâm thần, bệnh trầm cảm có ý định tự sát, cấp cứu người bệnh đột quỵ đảm bảo giờ vàng trong điều trị, cấp cứu người bệnh đa chấn thương bằng quy trình báo động đỏ liên viện.
![Thấy gì khi cuộc gọi cấp cứu 115 ở TPHCM tăng gấp 40 lần so với trước đây? - 2 Thấy gì khi cuộc gọi cấp cứu 115 ở TPHCM tăng gấp 40 lần so với trước đây? - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/xWSOjg17IRsWB_Qktuw6yhZzPJM=/thumb_w/1020/2025/01/08/115-1-edited-1736318553851.jpeg)
Số lượng cuộc gọi cấp cứu qua tổng đài 115 tăng gấp 40 lần so với thời điểm năm 2013 trở về trước (Ảnh: Trung tâm Cấp cứu 115).
Học tập mô hình cấp cứu ngoại viện của thế giới
Sở Y tế TPHCM phân tích, cách tiếp cận, xử lý tình huống cấp cứu, nguy kịch tại cộng đồng không giống như trong bệnh viện, đòi hỏi phải có phương pháp khoa học phù hợp với thực tiễn. Tại Việt Nam, khoa học về cấp cứu ngoại viện còn rất mới.
Trong khoảng thời gian 2013-2017, lãnh đạo TPHCM đã tổ chức 2 đoàn công tác đến Úc để khảo sát, học tập kinh nghiệm về cấp cứu ngoại viện, xác định mô hình "paramedic" là hướng đi phù hợp.
Sau khi tiếp thu kinh nghiệm từ Úc, ngành y tế TPHCM đã từng bước chuẩn hóa quy chế phối hợp giữa cấp cứu ngoại viện và nội viện, tăng cường sự gắn kết giữa các bệnh viện với hệ thống cấp cứu 115.
Lực lượng tham gia cấp cứu ngoại viện cũng được đào tạo chuẩn hóa theo tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) và Liên đoàn Cấp cứu quốc tế (IFEM).
Bên cạnh đó, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã phối hợp với trường Đại học khoa học ứng dụng Saimaa (Phần Lan) xây dựng thành công và tuyển sinh đào tạo loại hình "Điều dưỡng cấp cứu ngoại viện" (Paramedic nursing).
Nhờ đó, lực lượng cấp cứu ngoại viện tại địa phương đã từng bước vượt qua nhiều rào cản, phát huy tính sáng tạo theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Nhiều giải pháp cụ thể sau đó đã chứng minh hiệu quả, như: đồng phục paramedic giúp lực lượng cấp cứu thuận tiện trong nhiều môi trường phức tạp; mô hình xe cứu thương 2 bánh giúp tiếp cận người bệnh nhanh chóng hơn tại khu vực hẻm sâu, sự kiện đông người; mô hình cấp cứu tâm thần, trầm cảm...
![Thấy gì khi cuộc gọi cấp cứu 115 ở TPHCM tăng gấp 40 lần so với trước đây? - 3 Thấy gì khi cuộc gọi cấp cứu 115 ở TPHCM tăng gấp 40 lần so với trước đây? - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/DorWC8LGuuMmwgjJ3MCKOSF0wUQ=/thumb_w/1020/2023/01/10/dscf9893-edited-1673340586624.jpeg)
Ngành y tế TPHCM đã từng bước chuẩn hóa quy chế phối hợp giữa cấp cứu ngoại viện và nội viện (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, ngành y tế đã linh hoạt nhiều giải pháp, thậm chí chưa có tiền lệ.
Có thể kể đến như việc huy động lực lượng taxi, xe khách tham gia vận chuyển cấp cứu; thành lập 5 trung tâm cấp cứu 115 dã chiến tại những khu vực đông người bệnh nhất; mở rộng đường truyền tổng đài 115 lên 100 đường truyền, đảm bảo tiếp nhận cuộc gọi 24/7.
Gần 1.500 ca ngưng tim, ngưng thở được "sơ cứu qua điện thoại"
Để đảm bảo hoạt động của toàn hệ thống cấp cứu ngoại viện được hiệu quả, từ đầu năm 2021, Trung tâm Cấp cứu 115 phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông TPHCM triển khai hệ thống phần mềm điều phối cấp cứu.
Hệ thống này giúp tối ưu hóa quy trình tiếp nhận cuộc gọi, phân tích tình trạng cấp cứu theo thời gian thực, đồng thời tự động điều phối xe cứu thương đến các điểm phù hợp nhất.
![Thấy gì khi cuộc gọi cấp cứu 115 ở TPHCM tăng gấp 40 lần so với trước đây? - 4 Thấy gì khi cuộc gọi cấp cứu 115 ở TPHCM tăng gấp 40 lần so với trước đây? - 4](https://cdnphoto.dantri.com.vn/6RQb9KoaYYgTgpWt4JBdIeo7jbo=/thumb_w/1020/2024/08/20/screen-shot-2024-08-20-at-11735-pm-1724134683505.png)
Hệ thống tổng đài 115 ở TPHCM đã từng bước chuyển đổi số (Ảnh: Trung tâm Cấp cứu 115).
Bên cạnh đó, tổng đài 115 đã triển khai các quy trình tư vấn, hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại, vừa trấn an vừa giúp người dân có thể thực hiện được những việc nên làm trong khi chờ kíp cấp cứu đến, thậm chí có thể hướng dẫn sơ cứu từ xa.
Quy trình hướng dẫn hồi sinh tim phổi, sơ cứu hóc dị vật qua điện thoại thực sự đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch. Trong hơn 1 năm triển khai, có gần 1.500 trường hợp ngừng tuần hoàn hô hấp được hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại, giúp tỷ lệ hồi sinh tim phổi thành công tăng thêm 11%.
Ngày 26/3/2024, UBND TPHCM đã phê duyệt đề án "Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn 2024-2030".
Theo đó, TPHCM đặt mục tiêu xây dựng 3 trung tâm theo quy hoạch 3 Cụm y tế chuyên sâu, gồm: Trung tâm Cấp cứu 115 tại cụm y tế chuyên sâu Tân Kiên (Bình Chánh); Trung tâm Cấp cứu 115 tại cụm y tế trung tâm; Trung tâm Cấp cứu 115 tại TP Thủ Đức.
Không dừng lại ở cấp cứu đường bộ, TPHCM sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện loại hình cấp cứu đường không, đường thủy. Song song đó, hệ thống tiếp nhận và điều phối cấp cứu sẽ tiếp tục được nâng cấp theo hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), giúp phân loại ưu tiên cấp cứu, tối ưu hóa nguồn lực và dự đoán nhu cầu cấp cứu.
Luật khám bệnh chữa bệnh năm 2023 đã quy định loại hình nghề nghiệp "cấp cứu viên ngoại viện" phải có chứng chỉ hành nghề. Đây sẽ là tiền đề quan trọng trong phát triển toàn diện hoạt động cấp cứu ngoại viện, từ đào tạo đến sử dụng và tổ chức bộ máy phù hợp.