Gia Lai
"Quên Tết", hơn 50 cán bộ y tế "lên đường" vào tuyến đầu chống dịch
(Dân trí) - Sáng 1/2, hơn 50 cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xuất phát vào vùng có dịch tại thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa. Mỗi người đều đồng lòng "quên tết" để quyết tâm "chống dịch như chống giặc".
Từ thời điểm dịch Covid - 19 bùng phát, thực hiện cuộc vận động, ngành y tế đã nhận nhiều đơn đăng ký xin vào vùng có dịch để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid - 19. Qua đó, ngành y tế đã chọn hơn 50 cán bộ, bác sĩ, y sỹ, điều dưỡng… thực hiện nhiệm vụ truy vết, lấy mẫu… tại thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa.
Trong sáng 1/2, Sở Y tế tỉnh Gia Lai đã tổ chức lễ ra quân cho đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid - 19. Chị Đinh Thị Chờ (SN: 1972, công tác tại Trung tâm y tế huyện Đăk Pơ, Gia Lai) cho biết: "Ngay từ khi dịch bùng phát, tôi đã cùng các đồng nghiệp đã đến từng nhà nhằm nắm bắt, truy vết những người có tiếp xúc hoặc đi từ vùng có dịch về. Đồng thời, tôi cũng làm đơn xin đi vào thực hiện nhiệm vụ. Thế mạnh tôi là người đồng bào Ba Na nên nói được tiếng bản địa để phục vụ công tác phòng, chống dịch trong các buôn làng.".
"Chồng mất sớm, tôi một mình nuôi 2 người con khôn lớn. Một cháu đang theo học nghề y giống tôi. Sau khi được chọn vào làm nhiệm vụ tại vùng dịch, tôi cùng các đồng nghiệp đều hiểu rằng chắc chắn sẽ không còn Tết. Vào trong đó, chúng tôi phải làm việc hết sức mình để giữ cuộc sống bình yên cho người dân trên cả tỉnh", chị Chờ bộc bạch.
Anh Nguyễn Hồng Cường (SN: 1990, Cán bộ y tế xã Chư Krey, huyện Kông Chro, Gia Lai): "Mình có một con nhỏ và vợ làm giáo viên. Tuy nhiên, với trách nhiệm làm nghề y nên lúc tỉnh nhà đang bùng phát dịch thì mình xác định nhiệm vụ phải xung phong vào vùng dịch để tăng cường thêm lực lượng. Quyết tâm của ngành là phải dập được dịch trước Tết Nguyên đán để bà con được vui xuân, đón tết. Trước khi đi, mình cũng đã động viên vợ chăm con nhỏ và lo cái Tết hai bên nội, ngoại chu đáo thay mình.".
Ngoài những người lớn tuổi có kinh nghiệm dày dặn trong công tác phòng, chống dịch thì còn có rất nhiều bạn trẻ có tuổi nghề 3 - 7 năm và chưa có gia đình. Khi nghe, nhiều người đã không ngần ngại xin được vào tuyến đầu chống dịch. Trước khi đi, họ đều xác định sẽ không có Tết và thực hiện nhiệm vụ đến khi hết dịch mới trở về.
Chị Phan Thị Kim Chung (SN: 1991), bác sĩ tại khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết: "Gia đình mình đều ở phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa nên mình xin về để giúp quê hương, giúp bà con đẩy lùi dịch Covid - 19. Trước khi đi, gia đình cũng lo lắng về sự an toàn nơi tuyến đầu chống dịch. Nhưng mình đã giải thích cho bố mẹ hiểu và ủng hộ với quyết định của mình.".
Rmah Diêm (SN 1997), điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai) bộc bạch: "Đây là lần đầu tiên mình thực hiện nhiệm vụ quan trọng nên cũng có chút hồi hộp, lo lắng. Mình mong sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao để trở về với buôn làng. Đã vào ngành y và với tình hình dịch đang diễn biến phức tạp như vậy thì mọi người đều phải chung tay chống dịch, quên đi cái Tết đang cận kề".
Cũng trong sáng cùng ngày, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã tổ chức tập huấn hướng dẫn các thành viên đoàn công tác thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính. Đồng thời, cách thức tuyên truyền về cách phòng, chống dịch Covid - 19 đến với từng thôn, bản làng cho đoàn cán bộ y tế thực hiện ở vùng dịch. Sau khi tập huấn, đoàn công tác sẽ lập tức di chuyển vào tâm dịch thực hiện nhiệm vụ được giao.
Sở Y tế Gia Lai cũng đã có văn bản khẩn yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tiếp tục triển khai thực hiện xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Khẩn trương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp tiếp xúc gần, kể cả các trường hợp F2, có thể F3. Ưu tiên lấy mẫu và xét nghiệm toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế, lao động làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Ia Pa.
Bên cạnh đó, nhanh chóng tập trung kích hoạt ngay tối thiểu 2 đội đáp ứng nhanh, mỗi đội gồm 12 người để cấp phát khẩu trang, nước sát khuẩn tay nhanh; triển khai điều tra dịch tễ, truy vết lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, thăm khám sàng lọc, lấy mẫu bệnh phẩm, tổ chức truyền thông tại các địa phương có ca bệnh dương tính, thực hiện công tác vệ sinh xử lý môi trường.
Đối với Trung tâm Y tế huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa tiếp tục tập trung rà soát, lập danh sách và cách ly tất cả các đối tượng tiếp xúc gần với ca bệnh (F1), bố trí khu vực cách ly riêng biệt, thực hiện phân luồng. Đảm bảo bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, cơ số thuốc, vật tư hóa chất, phương tiện phòng hộ để phục vụ cách ly điều trị bệnh nhân tại khu cách ly của Trung tâm y tế.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, thông báo rộng rãi cho các công dân của địa phương khi có công dân trở về từ từ vùng dịch, đặc biệt là từ các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng và Hà Nội phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn thực hiện cách ly theo quy định. Đồng thời, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch (như đeo khẩu trang, giãn cách khi tiếp xúc, cài đặt ứng dụng Bluezone) để kịp thời phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.