Tại sao stress?
(Dân trí) - Nhà thần kinh học hàng đầu thế giới, GS Ian Robertson khẳng định áp lực không chỉ khiến chúng ta mạnh mẽ hơn mà còn rèn sức chịu đựng não tốt hơn trong cuốn sách mới nhất của ông, The Stress Test.
Những áp lực của cuộc sống không phải lúc nào cũng tiêu cực. Mặc dù áp lực nặng nề, kéo dài, gây căng thẳng không thể phủ nhận là làm tăng nguy cơ những rối loạn sức khoẻ lo âu, nhà thần kinh học hàng đầu thế giới, GS Ian Robertson đưa ra một quan điểm mới mẻ trong cuốn sách mới nhất của ông, The Stress Test. Theo đó áp lực cuộc sống giúp chúng ta phát triển, với sự hỗ trợ của các quy trình hoá học phức tạp trong cơ thể. Stress có thể giúp thúc đẩy và thậm chí là tăng cường bộ não.
Peter Clough, GS tâm lý học ĐH Manchester Metropolitan, đồng tình với quan điểm này và cho biết, chúng ta trở nên bị ám ảnh bởi căng thẳng bằng việc liên kết chặt chẽ nó với lo âu. Trên thực tế, phần lớn chúng ta đều tự tìm đến cuộc sống áp lực hơn như phấn đấu để được tăng lương, tăng chức và gia đình hạnh phúc, để có được sự hài lòng.
Đưa ra quan điểm về những lời của triết gia người Đức Friedrich Nietzsche rằng “stress không giết chết chúng ta mà khiến chúng ta mạnh mẽ hơn”, Robertson, GS tâm lý học tại Trường Trinity, Dublin lý giải tại sao một số người trong chúng ta phải đấu tranh để đối phó với những tình huống căng thẳng mà những người khác dễ dàng vượt qua.
Vấn đề nằm ở cách chúng ta đối phó
Điều này một phần là do những khác biệt về thể chất, thần kinh và môi trường của mỗi người. Một số thấy sợ những công việc lặp đi lặp lại, trong khi những người khác bị áp lực về thời hạn và khối lượng cộng việc lớn. Cuối cùng, căng thẳng bản thân nó không phải là vấn đề mà vấn đề nằm ở cách chúng ta đối phó với nó.
Trong cuốn The Stress Test, GS Robertson loại bỏ ý tưởng rằng não của chúng ta được “bọc thép cứng” từ khi sinh ra và thay vào đó ông chỉ ra rằng suy nghĩ và những trải nghiệm cảm xúc làm thay đổi hình dạng cơ quan này bằng cách bật và tắt các gen.
Ông cho biết: “Não là thực thể phức tạp nhất trong vũ trụ và sự thật đáng ngạc nhiên là nó có thể tự lên chương trình. Chúng ta có khả năng thay đổi không chỉ hoạt động của não mà còn rất nhiều hoá chất và cấu trúc của chúng theo cách chúng ta sử dụng chúng”.
Bên trong não là hai cơ chế cạnh tranh. Hệ thống “tiếp cận” ở phần trước bên trái khuyến khích chúng ta tìm kiếm phần thưởng và gây ra sự giải phóng dopamin đối phó với lo âu. Khu vực “tránh” ở phần não trước bên phải tránh sự trừng phạt, khuyến khích giải phóng noradrenalin, liên quan tới phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy”.
Sự cân bằng hai cơ chế này tạo ra một hợp chất hoàn hảo biến stress từ làm suy yếu thành thúc đẩy não, với những người kiểm soát tốt nhất cảm xúc là họ được trang bị tốt nhất để khai thác điều này.
Ví dụ, nghiên cứu chỉ ra rằng stress gây ra bởi nhúng tay vào nước đá có thể giúp ghi nhớ một danh sách các từ, nhờ đó giải phóng cortisol và noradrealin.
Cách kiểm soát stress hiệu quả
GS Roberston trích dẫn khái niệm tư duy “cố định” và “phát triển” do nhà tâm lý học Carol Dweck tìm ra, cho biết: “Bước đầu tiên là bạn phải tin rằng bạn kiểm soát được”. Ví dụ, những người có tư duy cố định nhìn nhận những kỹ năng của họ một cách cứng nhắc trong khi những người tự cho phép mình thực hành lặp đi lặp lại và thất bại cho đến khi họ cải thiện có thể trau dồi tài năng.
Bước thứ hai là kiểm soát suy nghĩ, thậm chí chỉ trong vài giây. Với sự kiên trì, sự kiểm soát có thể dần dần kéo dài nhiều phút, nhiều giờ, nhiều ngày và nhiều năm.
Điều này có vẻ khá trừu tượng. Nhưng GS Robertson nhấn mạnh rằng có rất nhiều phương pháp và kỹ thuật mà cá nhân có thể sử dụng để đối phó với stress. Một số như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là tương đối mới, trong khi những phương pháp khác như thiền định và chánh niệm đã được thực hành trong nhiều thế kỷ. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng giống như CBT, thực hành thiền định chăm chỉ có thể giúp tái cấu trúc não một cách tích cực.
Thay đổi thái độ của một người đối với áp lực cũng rất quan trọng. Một nghiên cứu năm 2007 tại Harvard phát hiện ra rằng những người phục vụ phòng coi công việc của họ trong khách sạn như việc tập luyện có thể giảm cân và giảm huyết áp.
Trong khi đó, GS Clough đơn giản cho rằng hãy đối xử với bản thân như bạn sẽ làm với người bạn thân của mình: nâng đỡ, vị tha khi người đó phạm phải sai lầm
Điều này không chỉ trong tâm trí. Hãy duy trì tư thế mạnh mẽ, với cơ thể thư giãn, trước một tình huống gây hại thần kinh hoặc bóp một quả bóng căng trong bàn tay phải có thể tạm thời cải thiện tâm trạng và sự tự tin.
Stress ở mức trung bình có thể có lợi, ở mức nghiêm trọng thì không. Phần lớn những người mắc bệnh tâm thần đều bị căng thẳng cực độ và việc vượt qua nó không phải và không nên là lựa chọn.
Khadija Abdelhamid, một diễn giả và doanh nhân từ Wembley, London trực tiếp cho biết rằng thoát ra khỏi stress là không thể. Bây giờ khi đã 25 tuổi, những năm tháng niên thiếu bị stress của cô ấy đã khiến cô ấy bị trầm cảm nặng hơn và khiến cô rơi vào một chu kỳ những cuộc tấn công hoảng loạn.
Tuy nhiên, cô đồng ý rằng phương pháp của GS Roberston là phương pháp đúng và cô ấy đối phó bằng cách nghe những bản nhạc êm dịu, sử dụng các bí quyết học được từ bác sĩ chuyên khoa và suy nghĩ về những vấn đề của cô ấy khi cô ấy cảm thấy thư giãn.
GS Clough đồng tình và tin rằng những phát hiện của GS Robertson sẽ khuyến khích các ông chủ cung cấp việc làm cho nhân viên chứ không phải là bắt họ làm nhiều việc hơn.
Khiến họ cảm thấy áp lực không phải là cách quản lý hiệu quả. Bước ra khỏi vùng thoải mái của bạn là quan trọng nhưng điều đó nên được thực hiện một cách hợp lý, cẩn thận và dần dần. Thông điệp của GS Robertson rất rõ ràng: stress không giết chết chúng ta mà khiến chúng ta mạnh mẽ hơn. Mọi người có thể học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, mặc dù không phải hoàn toàn và luôn luôn được nhưng bất cứ ai đều có thể học cách để làm điều đó tốt hơn.
Hà Ngân
Theo Independent