Tai nạn xảy ra trong lúc ngủ có thể khiến quý ông "mất đạn"
(Dân trí) - Xoắn tinh hoàn thực sự là tình huống nghiêm trọng và khẩn cấp đòi hỏi mọi người, nhất là các bậc cha mẹ cần trang bị kiến thức để xử lý kịp thời, tránh xảy ra những hậu quả xấu.
Xoắn tinh hoàn là gì?
Tinh hoàn là một cơ quan hình trứng nằm trong bìu. Có hai tinh hoàn, tinh hoàn trái thường thấp hơn tinh hoàn phải khoảng 1 cm. Màng tinh hoàn và bao trắng bên trong bao phủ toàn bộ tinh hoàn.
2/3 phía trước của tinh hoàn là tự do, không có cấu trúc bám vào cơ bìu. Có 1 khoang ảo giữa màng tinh hoàn và bao trắng tinh hoàn. Từ đó tinh hoàn có thể di động trong vùng bìu.
Tinh hoàn có hai chức năng chính là:
- Chức năng nội tiết: Tinh hoàn có chức năng quan trọng là bài tiết hormone sinh dục nam (chủ yếu là testosterol), quyết định các đặc tính của giới nam và điều khiển hoạt động của hệ sinh dục.
- Chức năng ngoại tiết: tinh hoàn là nơi sản xuất ra tinh trùng. Mỗi ngày, hai tinh hoàn của một người đàn ông trẻ tuổi có khả năng sản sinh khoảng 120 triệu tinh trùng.
Xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh bị xoắn quanh trục của nó làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn, dẫn đến phù nề, xung huyết và hoại tử tinh hoàn.
Xoắn tinh hoàn thường gặp nhất ở nam giới từ 10 - 25 tuổi. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra xoắn tinh hoàn là ở mọi lứa tuổi. Căn bệnh này cũng liên quan đến yếu tố di truyền mà trong giới y học gọi là "sự dị dạng quả lắc chuông". Nói một cách dễ hiểu là do cấu tạo dây tinh hoàn và dây dịch hoàn khiến chúng dễ bị xoắn vào nhau. Thông thường, khi đã xảy ra xoắn 1 bên tinh hoàn thì bên còn lại cũng dễ có nguy cơ bị xoắn.
Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa thường gặp ở nam giới trẻ cần chẩn đoán sớm, nhanh, xử lý kịp thời, mục đích bảo tồn tinh hoàn, tránh hoại tử hoặc biến chứng teo tinh hoàn do thiếu máu nuôi dưỡng. Xoắn tinh hoàn thực sự là một tình huống nghiêm trọng và khẩn cấp bởi nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến 1 hoặc cả 2 bên không còn thực hiện được chức năng của mình.
Các dạng xoắn tinh hoàn
Xoắn ngoài tinh mạc: Dạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân do dây chằng bìu cố định không hoàn toàn vào vách bìu, làm tinh hoàn xoay tự do ở trong bìu.
Xoắn trong tinh mạc: Dạng này thường gặp ở thanh thiếu niên (10-20 tuổi). Do tinh mạc bám cao vào thừng tinh gây nên tình trạng quả lắc chuông, cho phép tinh hoàn xoay quanh thừng tinh. Do tình trạng này gặp ở cả hai bên bìu nên nguy cơ tinh hoàn bên kia sẽ bị xoắn là rất cao.
Những nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn
- Do bẩm sinh: Khi mới sinh ra, trẻ nam đã có hiện tượng tinh hoàn di chuyển bất thường.
- Mắc chứng tinh hoàn ẩn: Tinh hoàn không nằm ở trong bìu mà nằm ở trong bụng hoặc ống bẹn, có thể gây ra xoắn dây tinh hoàn trong trường hợp xảy ra chấn thương.
- Ngủ không đúng tư thế tạo điều kiện cho thừng tinh bị xoắn và gây ra hiện tượng xoắn tinh hoàn.
- Chấn thương cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến hiện tượng xoắn dây tinh hoàn.
- Mặc quần chật chội:Mặc dù đây không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hiện tượng xoắn tinh hoàn, nhưng nó có thể tạo điều kiện cho xoắn dây tinh hoàn xảy ra.
Triệu chứng cảnh báo xoắn tinh hoàn
Triệu chứng điển hình nhất của xoắn tinh hoàn là bệnh nhân xuất hiện đột ngột cơn đau dữ dội ở tinh hoàn, kèm theo đau và sưng bìu, đỏ vùng da bìu tương ứng, đau vùng bụng dưới và nôn. Tuy nhiên, xoắn tinh hoàn ở lứa tuổi thanh niên có thể chỉ gây đau không nhiều. Bệnh nhân thường đến viện quá trễ. Đáng chú ý, 50% các trường hợp xoắn tinh hoàn xảy ra trong lúc ngủ.
Khi khám sẽ thấy tinh hoàn sưng, sờ đau, xoay ngang và nằm rút lên cao so với bên đối diện do thừng tinh xoắn bị rút ngắn lại. Đau có thể tăng lên khi nâng nhẹ tinh hoàn lên. Khám cũng có thể sờ thấy nút xoắn thừng tinh. Khi bệnh nhân tới sớm có thể sờ thấy mào tinh hoàn ở vị trí bình thường. Tuy nhiên sau vài giờ, cả khối tinh hoàn - mào tinh hoàn - thừng tinh sẽ sưng lên và không còn sờ được nút xoắn hay mào tinh nữa.
Khi có nghi ngờ xoắn tinh hoàn thì nên phẫu thuật thám sát để cứu tinh hoàn càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, do bệnh nhân thường đến viện muộn sau 6 giờ nên khả năng bảo tồn được tinh hoàn thường thấp. Khi tinh hoàn bị hoại tử rõ, các bác sĩ sẽ buộc phải phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn và bệnh nhân được đặt tinh hoàn giả thay thế.