1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sùi mào gà có thể lây cho trẻ như thế nào?

(Dân trí) - Việc hàng loạt bé trai ở Hưng Yên mắc căn bệnh sùi mào gà khi làm thủ thuật cắt bao quy đầu khiến nhiều người hoang mang. Căn bệnh nhiều người nghĩ chỉ có thể lây qua đường tình dục, ở người trưởng thành tại sao lại lây cho trẻ nhỏ?

Theo BS sản khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Thái Hà, nhiều người cho rằng những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục chỉ gặp ở người lớn nhưng thực tế, trẻ em cũng có thể mắc do chính sự chủ quan của người lớn trong việc chăm sóc. Với sùi mào gà cũng vậy, ngoài đường lây truyền thống mà mọi người hay nghĩ tới (lây qua đường tình dục), lây qua can thiệp y tế, bố mẹ bị lây sang con thì còn có sự lây lan qua tiếp xúc, vệ sinh bộ phận sinh dục.

Một dạng thương tổn của vi rút HPV gây ra.
Một dạng thương tổn của vi rút HPV gây ra.

“Bởi sùi mào gà là bệnh do vi rút HPV gây ra, dễ lây qua tiếp xúc. Trẻ có thể mắc do vô tình tiếp xúc với vi rút gây bệnh, người lớn lây cho trẻ trong quá trình chăm sóc trẻ”, BS Dung cho biết.

Cụ thể hơn, nếu người lớn bị nhiễm vi rút HPV khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ (như rửa bao quy đầu, rửa vệ sinh cho trẻ mà không đảm bảo bàn tay sạch… đều có nguy cơ lây bệnh sang cho bé).

Những trường hợp lây nhiễm từ dụng cụ y tế chưa được vô trùng chưa được báo cáo, lý do vì bất cứ dụng cụ y tế nào khi can thiệp lên người bệnh đều phải đảm bảo tiệt trùng. Tuy nhiên, về nguyên tắc vẫn có thể xảy ra.

Cùng quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Bá Hưng – Trưởng khoa Nam học (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết, sùi mào gà ngoài con đường lây nhiễm qua đường tình dục nó còn con đường lây nhiễm khác là lây qua tiếp xúc da. Vì thế nếu người lớn bị vi rút HPV hoặc lây nhiễm vi rút HPV từ nơi khác về, nếu có tiếp xúc với bộ phận sinh dục của trẻ em đều có nguy cơ lây bệnh sang cho trẻ.

Còn trong y tế, nếu đảm bảo dụng cụ tiệt trùng khi được can thiệp thì khó có nguy cơ xảy ra.

Trong khi đó, tỷ lệ nhiễm vi rút HPV trong cộng đồng khá cao, biểu hiện của nhiễm HPV khá đang dạng bởi chủng vi rút HPV có hơn 100 tuýp khác nhau. Bệnh biểu hiện của nhiễm HPV trên các vị trí khác nhau trên cơ thể cũng khác nhau và tên gọi trong dân gian cũng khác nhau, nếu mọc ở trên da thông thường gọi là hạt cơm, mọc ở cơ quan sinh dục-hậu môn gọi là sùi mào gà, mọc ở lòng bàn chân bàn tay gọi là chai chân, chai tay..

Đánh giá về việc nhiều trẻ mắc sùi mào gà sau cắt bao quy đầu, TS.BS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) cho rằng nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra nếu vệ sinh phòng khám không tốt, dụng cụ y tế bị nhiễm vi rút trong quá trình nong tách có thể gây xước xát niêm mạc và truyền bệnh.

Sùi mào gà là bệnh do vi rút gây ra nên không có thuốc đặc trị mà chỉ điều trị triệu chứng. Cơ sở y tế có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để điều trị như: đốt laze, phẫu thuật, dùng hóa chất, bôi thuốc điều trị tại chỗ… để lấy hay cắt bỏ các u nhú.

Về nguyên tắc vi rút HPV có thể được loại bỏ nếu cơ thể có khả năng chống trả. Vì thế có những người không bị tái phát, nhưng thực tế có những trường hợp u nhú sẽ mọc đi mọc lại.

Có người khỏi hoàn toàn do miễn dịch cơ thể tốt. Với trẻ nhỏ, các bác sĩ sẽ ưu tiên phương pháp bôi thuốc điều trị tại chỗ hơn so với giải pháp can thiệp. Trong trường hợp điều trị thuốc bôi không có hiệu quả thì làm các thủ thuật. Có những bệnh nhân không bị tái phát nhưng cũng có người u nhú sẽ mọc đi mọc lại. Vì thế, việc khám định kỳ là rất quan trọng.

Để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh “người lớn” cho trẻ em qua tiếp xúc, cần đảm bảo các dụng cụ vệ sinh cá nhân, quần áo mặc riêng. Người lớn bị bệnh khi chăm sóc trẻ cần lưu ý, đảm bảo vệ sinh tay sạch sẽ trước khi rửa, tắm cho trẻ.

Hồng Hải