1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sức khỏe phi công mắc Covid-19 có tiến triển

(Dân trí) - Bệnh nhân Covid-19 thứ 91 là phi công người Anh hiện tiên lượng còn rất nặng nhưng đã khá hơn, ngừng dẫn lưu màng phổi.

Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Đây là trường hợp mắc Covid-19 nặng nhất tại nước ta đến nay. 

Chiều 16/5, theo Tiểu Ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 sức khỏe  của nam phi công đã có tiến triển khá hơn. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 5 lần liên tiếp với virus SARS-CoV-2 và hiện đã ngừng dẫn lưu màng phổi. Hiện bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đang tiếp tục thở máy.

Đến nay, 90% phổi của BN91 đã đông đặc. Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia chụp CT cho thấy thương phổi mức độ lớn và có chỉ định ghép phổi cho bệnh nhân. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã khởi động chương trình tìm nguồn cho tạng đủ điều kiện ghép và chuẩn bị đầy đủ điều kiện để ghép. 

Tuy nhiên, bệnh nhân đang có biểu hiện nhiễm trùng nhiều tạng. Do đó, các y bác sĩ đang tập trung điều trị nhiễm trùng và hồi sức trước khi thực hiện ghép phổi. 

Bệnh nhân 91 đã nằm viện gần 2 tháng. Ngay từ khi nhập viện, bệnh nhân liên tục tiến triển nặng, nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính.

Theo các chuyên gia giải thích, bệnh nhân có yếu tố béo phì với chiều cao 1,83m, nặng 100kg. Cơ thể người bệnh cũng phản ứng quá mức với virus SARS-CoV-2, tạo ra “cơn bão cytokine”, tấn công cả tế bào lành. 

Rất nhiều người Việt đã liên hệ với Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia mong muốn được ghép một phần lá phổi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện các bác sĩ vẫn ưu tiên số một là tìm tạng hiến tặng từ người hiến đã chết não để tiến hành quy trình ghép phổi cho bệnh nhân. Trước đó vài ngày, có người chết não hiến phổi phù hợp với nam phi công 43 tuổi người Anh, tuy nhiên phổi hiến không thể sử dụng do bị nhiễm trùng.

Những người đăng ký hiến một phần phổi ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 21 đến 71 tuổi và đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, có người là bác sĩ, điều dưỡng, có người là bộ đội...

Ghép phổi khó về mặt kỹ thuật, nhưng đặc biệt chăm sóc, điều trị sau ghép phổi còn khó gấp bội. Vì ngoài yếu tố miễn dịch thì còn phải dựa trên các yếu tố khác như nhiễm trùng, chăm sóc sau mổ… Đây là những vấn đề cực kỳ khó khăn mà các trung tâm trên thế giới nói chung, đặc biệt ở Việt Nam những nơi ghép phổi như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và một số nơi cũng chuẩn bị đầy đủ chi tiết, bài bản đều phải đối diện.

Kỹ thuật này đòi cần phải chuẩn bị tỉ mỉ, kỹ càng bởi vì tỷ lệ thành công sau ghép phổi trên thế giới không bằng ghép gan, ghép tim, ghép thận. Vì thế việc ghép phổi hết sức cân nhắc, thận trọng, tỉ mỉ thì mới hy vọng ghép được.

Đến chiều 16/5, Việt Nam ghi nhận 318 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó 260 người đã được  công bố khỏi bệnh/xuất viện (chiếm 82% tổng số ca bệnh). Hiện còn 58 bệnh nhân đang điều trị tại 8 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.

Nam Phương