Sử dụng sữa đúng cách để sống khoẻ
(Dân trí) - Trong 2 tiếng đồng hồ, gần 100 câu hỏi về “Sử dụng sữa đúng cách để sống khoẻ” đã được PGS.TS Nguyễn Thị Lâm và ông Martin Walter, chuyên gia ngành hoá chất, phụ gia thực phẩm… giải đáp rất cụ thể.<br><a href='http://giaoluu.dantri.com.vn/Public/72/dang-ky-phong-van.html'><b> >> Theo dõi buổi giao lưu tại đây</b></a>
PTBT Phạm Tuấn Anh (đứng giữa) tặng hoa các khách mời
Về chất lượng sữa, có bạn đọc cho rằng thành phần chủ yếu của sữa tươi là nước và sữa tươi không bằng sữa bột và đặt câu hỏi liệu trẻ nhỏ có nên uống loại sữa này nhiều?. Theo chuyên gia dinh dưỡng, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện phó viện dinh dưỡng, “loại sữa nào cũng tốt, có thành phần dinh dưỡng gần như tương đương nhau, có thể lựa chọn tùy theo sở thích, thói quen của cháu. Sữa tươi có vẻ như sẽ thơm ngon, phù hợp khẩu vị của nhiều trẻ hơn”.
Còn ông Martin Walter, Chuyên gia Tư vấn dinh dưỡng của GELITA toàn cầu, khẳng định: “Từ 1 tuổi trẻ đã có thể uống sữa tươi do trong sữa tươi chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng bao gồm protein, chất béo, cacbonhydrat, khoáng chất và vitamin cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Vì vậy với lượng sữa 1 lít/ngày là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ”.
Các chuyên gia cũng lưu ý về các nhận biết sữa tươi chất lượng tốt là phải dựa trên xuất xứ của sữa. Đó là sữa được sản xuất từ những trang trại có điều kiện nuôi bò chặt chẽ; bò cho sữa phải có phả hệ rõ ràng, hoàn toàn không lai tạo, được lựa chọn theo các tiêu chí nghiêm ngặt về ngoại hình, năng suất, độ bền chu kỳ cho sữa cũng như nguồn dinh dưỡng thức ăn cho bò phải bảo đảm để sữa có chất lượng cao nhất... Đây cũng là tiêu chí, tiêu chuẩn của sữa tươi tại các nước châu Âu, Mỹ. Chuyên gia tư vấn dinh dưỡng Martin Walter cũng cho biết: “Người châu Âu thích sử dụng sữa có nguồn gốc tự nhiên, không chất bảo quản, phụ gia. Đặc biệt nếu trong thành phần sữa có sử dụng các hương liệu và màu thì họ cũng lựa chọn những nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên.
Về thói quen uống sữa, các chuyên gia dinh dưỡng đều khẳng định:
- Có thể uống sữa vào buổi sáng cùng với 1 miếng bánh và không gây ảnh hưởng đến dạ dày cũng như đủ năng lượng để cho trẻ đến trường (vì bữa ăn ở trường cũng thường sớm). Tuy nhiên lưu ý là không nên uống sữa khi quá đói.
- Với trẻ thiếu sữa mẹ, việc cho ăn đêm là đúng nhưng nên chọn các loại sữa tăng cường vi khuẩn có ích, chất xơ hòa tan, đường chức năng (palatino) sẽ giúp ức chế các vi khuẩn có hại đường răng miệng.
- Việc ngâm nóng sữa chua, váng sữa không làm ảnh hưởng đến thành phần dinh dưỡng của sữa. Có thể làm nóng sữa tươi bằng lò vi sóng hoặc có thể ngâm trong nước nóng đến khi đủ ấm nhưng lưu ý là khống chế thời gian và nhiệt độ của lò vi sóng để tránh sữa bị vón hay trào ra ngoài.
- Không nên dùng sữa đặc có đường uống hằng ngày vì sữa này có rất nhiều đường, không tốt cho sức khoẻ; chỉ nên dùng uống với cà phê hoặc nước chè.
- Việc uống sữa tách béo chỉ thực sự cần thiết khi phải ăn kiêng vì các vitamin trong sữa như vitamin A, D, E tập trung nhiều trong chất béo.
- Việc uống nhiều sữa không gây béo phì. Nguyên nhân cần phải được xem xét từ toàn bộ chế độ ăn.
- Một số loại sữa công thức có thể gây táo bón do hàm lượng đạm cao. Vì vậy để phòng táo bón, nên uống sữa có bổ sung chất xơ hoà tan như synergy1 có 2 tác dụng tích cực giúp cải thiện khả năng tiêu hóa, giảm táo bón, tăng cường hệ vi khuẩn có lợi cho đường ruột và tăng khả năng hấp thụ canxi.
Về các loại sữa chức năng, các chuyên gia khẳng định người bệnh thận, loãng xương, tiểu đường, người quá gầy… có thể sử dụng các loại sữa có thành phần hỗ trợ như phytosterol (giúp ngăn ngừa mỡ máu cao, tốt cho người tiểu đường), canxi + chất xơ hòa tan synergy1 (tốt cho phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh), sữa chuyên biệt dành cho người bị bệnh thận, hoặc sữa tươi toàn phần rất tốt cho người gầy.