1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Sở Y tế TPHCM yêu cầu bệnh viện phát ngôn sớm nhất khi có sự cố gây bức xúc

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sở Y tế TPHCM cho biết, khi xảy ra các sự cố gây bức xúc của bệnh nhân được báo chí phản ánh, người đứng đầu đơn vị cần chủ động xác minh và phát ngôn phản hồi trong thời gian sớm nhất.

Sở Y tế TPHCM vừa ban hành bộ khuyến cáo nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông - giáo dục sức khỏe (TT-GDSK) và củng cố công tác phát ngôn tại các cơ sở y tế trên địa bàn, với 10 nội dung.

Đáng chú ý, ngoài các vấn đề liên quan đến hoạt động xây dựng, đầu tư nguồn lực phát triển các phương tiện và công cụ TT-GDSK, có 4 nội dung liên quan đến vấn đề phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.

Theo đó, tại mục thứ 6, Sở Y tế TPHCM yêu cầu các đơn vị xây dựng quy chế phát ngôn. Trong đó, người đứng đầu đơn vị là người phát ngôn chính thức, chỉ ủy quyền cho cấp phó khi bận đột xuất và phải được thực hiện bằng văn bản, áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định.

Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị phát ngôn theo văn bản đã được thống nhất và phê duyệt. Các cá nhân không phải người phát ngôn vẫn được quyền cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định, nhưng không được nhân danh đơn vị và chịu trách nhiệm về thông tin đã cung cấp.

Sở Y tế TPHCM yêu cầu bệnh viện phát ngôn sớm nhất khi có sự cố gây bức xúc - 1

Sở Y tế TPHCM yêu cầu các đơn vị xây dựng quy chế phát ngôn (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Tại mục thứ 7, Sở Y tế TPHCM đề nghị các đơn vị trực thuộc chủ động nắm bắt các thông tin phản ánh của báo chí liên quan đến lĩnh vực y tế, từ đó rà soát và củng cố để tránh lặp lại tại đơn vị mình.

Trường hợp xảy ra các sự cố gây bức xúc của người bệnh được báo chí phản ánh, người đứng đầu đơn vị cần chủ động cho rà soát thông tin, thống nhất trong hội đồng chuyên môn về nhận định ban đầu. Sau đó báo cáo Sở Y tế, đồng thời phát ngôn cho báo chí trong thời gian sớm nhất.

Khi cung cấp thông tin phải đảm bảo tính chính xác, toàn diện và kịp thời.

Tại mục thứ 8, Sở Y tế khuyến cáo các bệnh viện cân nhắc việc cung cấp thông tin khi nhận được yêu cầu từ báo chí. Đơn vị có thể xem xét và từ chối cung cấp thông tin đối với các vấn đề vượt quá chức năng, thẩm quyền của mình, không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tờ báo.

Ở mục thứ 9, Sở Y tế TPHCM hướng dẫn 4 trường hợp không cung cấp thông tin cho cơ quan báo, đài (quy định tại Luật Báo chí năm 2016).

Sở Y tế TPHCM yêu cầu bệnh viện phát ngôn sớm nhất khi có sự cố gây bức xúc - 2

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM phát ngôn tại một buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Thứ nhất, thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định.

Thứ hai, thông tin về vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cần thông tin những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ ba, thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận; đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan Nhà nước mà chưa có kết luận chính thức.

Thứ tư, những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.

Sở Y tế TPHCM cũng yêu cầu các bệnh viện xây dựng những kịch bản về khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra, đi kèm quy trình xử lý tương ứng với các kịch bản. Từ đó, phổ biến đến tất cả lãnh đạo khoa, phòng và nhân viên của đơn vị để thống nhất khi áp dụng.

Khi xảy ra khủng hoảng truyền thông, cần kịp thời báo cáo về Sở Y tế để chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ và hướng dẫn.