1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM nêu cách xóa nạn "chặt chém" tiền xe cấp cứu

Hoàng Lê

(Dân trí) - Nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ, ông từng chủ động phối hợp với đơn vị vận chuyển trong việc hỗ trợ khi có người cần đi cấp cứu.

Vừa qua, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đã xảy ra sự việc thương tâm, khi anh T.G. (36 tuổi, quê Cà Mau) phải vay tiền thuê xe cấp cứu giá 16 triệu đồng để đưa con trai lên TPHCM điều trị.

Đến khi bé trút hơi thở sau cùng, người cha đưa xác con xuống nhà đại thể bệnh viện trong tình trạng không còn tiền mua quan tài lẫn tiền xe về quê. Sau đó, nhờ phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Nhi đồng 1, con trai anh G. đã được nhà hảo tâm giúp đỡ quan tài và chuyến xe từ thiện.

Nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM nêu cách xóa nạn chặt chém tiền xe cấp cứu - 1

Hợp đồng thuê xe cấp cứu giá 16 triệu đồng của anh G. (Ảnh: THK).

Nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói gì?

Phía Công ty TNHH vận chuyển 115 Xuyên Việt, đơn vị cho thuê xe cấp cứu trong sự việc trên cho rằng, giá nêu trên là hợp lý.

Tuy nhiên qua khảo sát nhiều đơn vị y tế và vận chuyển tư nhân, giá chuyển bệnh cấp cứu từ Cà Mau đến TPHCM hầu hết dao động trong khoảng 7-10 triệu đồng, trên xe đã bao gồm nhân viên y tế và các máy móc cần thiết.

Câu chuyện trên khiến dư luận xót xa lẫn bức xúc, cho rằng số tiền thuê xe nêu trên là quá cao, đẩy bệnh nhân vào cảnh khốn cùng.

Vấn đề đặt ra là làm sao để không còn xảy ra tình trạng giá vận chuyển cấp cứu bị thả nổi, "chặt chém", khiến người dân dù quá khả năng chi trả vẫn chấp nhận sử dụng?

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, dịch vụ vận chuyển y tế là nhu cầu bình thường, chính đáng của người dân.

Với dịch vụ được tư nhân cung cấp, khi sử dụng sẽ có sự thỏa thuận, đồng ý giữa đôi bên. Ở góc độ quản lý, ông Dũng cho rằng, ngành y tế cần có sự phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận chuyển, để có một dịch vụ minh bạch và chuyên nghiệp, giúp các bên cùng có lợi.

Nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM nêu cách xóa nạn chặt chém tiền xe cấp cứu - 2

Xe cấp cứu tư nhân vận chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Cụ thể, khi có sự hợp tác công - tư, người dân sẽ có lợi ích hơn về vấn đề chi phí, giá được kiểm soát, mềm hơn. Còn với các đơn vị vận chuyển, họ sẽ có được nguồn khách hàng ổn định, do chính các cơ sở y tế giới thiệu, thay vì lâu lâu mới có.

"Ngày xưa khi tôi còn làm Giám đốc Sở Y tế, lúc chuẩn bị tổ chức SEA Games 22 (năm 2003), Trung ương có thông báo rằng khách du lịch vào TPHCM sẽ đông. Sẽ có những nhu cầu khi tai nạn xảy ra.

Tôi đã liên hệ với một hãng xe để khi xảy ra sự cố, họ có mặt đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay, thay vì phải gọi 115 và chờ xe đến. Lúc đó, chính hãng xe đã ký với Sở Y tế việc miễn phí vận chuyển cho khách du lịch.

Đó là một sự kiện, trong khi việc lo sự sống của dân là chuyện thường xuyên và hệ trọng hơn", bác sĩ Dũng dẫn chứng.

Cũng theo nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM, để đòi hỏi hệ thống công lập đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển là điều rất khó, chỉ có thể nhắm đến việc tiện lợi. Khi hợp tác công - tư tốt, người dân chỉ việc gọi một cú điện thoại và xe đến tận nơi, với giá cả được kiểm soát.

Nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM nêu cách xóa nạn chặt chém tiền xe cấp cứu - 3

Nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng cho rằng, ngành y tế cần có sự phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận chuyển bên ngoài (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Cần quy định giá trần

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM lại cho rằng, hợp tác công - tư không nên thực hiện đối với lĩnh vực vận chuyển người bệnh cấp cứu.

Ông lý giải, việc hợp tác với đơn vị bên ngoài sẽ dẫn đến tâm lý có sự phân biệt đối xử, khi người này được đi xe cấp cứu của bệnh viện trong khi người khác phải thuê dịch vụ ngoài, dù quyền lợi khám chữa bệnh trên lý thuyết là như nhau.

Hệ thống y tế công lập cần phải được Nhà nước đầu tư, đảm bảo đủ năng lực cho vấn đề cấp cứu bệnh nhân, bao gồm cả cơ số xe cứu thương và các trang thiết bị, nhân lực cấp cứu.

Ngoài ra, khi có những ca bệnh quá khả năng điều trị và không thể chuyển viện, bác sĩ cần phải giải thích đầy đủ, cặn kẽ nhất có thể cho người nhà, để tránh xảy ra việc họ mang tâm lý muốn cứu bệnh nhân mà đánh liều chọn dịch vụ ngoài.

Nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM nêu cách xóa nạn chặt chém tiền xe cấp cứu - 4

Giá vận chuyển bệnh nhân theo yêu cầu bằng xe cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM là 20.000 đồng/km, được công khai trên website (Ảnh: Hoàng Lê).

Cũng theo Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, dịch vụ cấp cứu y tế không phải là hàng hóa bình thường, khi thời gian của khách hàng gấp rút, tâm lý bị ảnh hưởng và thiếu thông tin, còn phía cung ứng lại có quyền lực và nhiều thời gian chuẩn bị.

Do đó, cơ quan chức năng cần có sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ bất cân xứng về thông tin (như vận chuyển cấp cứu) để bảo vệ phía yếu thế là người dân.

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng phân tích, hệ thống y tế công, các dịch vụ chăm sóc y tế nói chung luôn luôn được quy định mức giá cụ thể. Với khu vực tư nhân, cơ quan chức năng cần quy định mức thu trần về vận chuyển cấp cứu và thông tin rộng rãi.

Nếu nhà xe thu vượt mức trần, bệnh nhân và thân nhân có thể khiếu kiện để đòi quyền lợi.

Chuyên gia y tế công cộng nhận định, số đường dây nóng 115 hiện đã rất phổ biến. Tuy nhiên, hệ thống cấp cứu ở nước ta vẫn chưa đáp ứng đủ, người dân gọi nhiều lần không được mới liên hệ tư nhân.

"Số điện thoại cấp cứu tư nhân cũng thường do bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu, vì người bình thường sẽ ít tìm hiểu. Vai trò của nhân viên y tế trong trường hợp này rất quan trọng", Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm