Say dù không nhậu nhẹt, người đàn ông phát hiện cơ thể tự tạo ra… bia

Minh Nhật

(Dân trí) - Trong suốt 6 năm, một người đàn ông ở Mỹ liên tục trải qua những cơn say bí ẩn, trong khi bản thân không hề uống một giọt bia rượu nào.

Cơ thể tự sản xuất bia sau khi dùng... kháng sinh

Say dù không nhậu nhẹt, người đàn ông phát hiện cơ thể tự tạo ra… bia - 1

Trường hợp hy hữu này được đăng tải trên tạp chí BMJ Open Gastroenterology. Cụ thể, người đàn ông 46 tuổi này sau khi đi khám đã được chẩn đoán mắc hội chứng "nhà máy bia tự động" (ABS).

Đây là một tình trạng khiến vi khuẩn trong ruột chuyển hóa carbohydrate thành chất cồn (ethanol). Với những người mắc ABS, khi ăn thực phẩm và đồ uống có đường hoặc nhiều carb, cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều cồn và khiến họ rơi vào một cơn say giống như thể họ đã uống quá nhiều bia.

Các triệu chứng của người đàn ông kể trên xuất hiện sau khi anh ta điều trị một chấn thương phức tạp ở ngón cái, bằng kháng sinh từ nhiều năm trước đó.

Các chuyên gia nhận định, có thể chính thuốc kháng sinh đã tác động đến hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến tình trạng này của bệnh nhân.

"Không ai tin anh ta, khi người đàn ông này nói rằng anh ta không uống rượu", tác giả bài báo chia sẻ.

Bị bắt oan vì "tự say" khi lái xe

Say dù không nhậu nhẹt, người đàn ông phát hiện cơ thể tự tạo ra… bia - 2

Hội chứng ABS cũng khiến bệnh nhân này gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống. Thỉnh thoảng, anh ta có những hành vi hung hăng khác thường như người say. Thậm chí, đã có lần anh bị bắt vì lái xe trong tình trạng say rượu. Lúc đó, nồng độ cồn trong máu của người đàn ông này đã gấp đôi giới hạn luật định, nhưng anh ta khẳng định mình không hề uống rượu.

Sau lần bị bắt này, một người dì của người đàn ông này đã xem được một báo cáo mô tả một bệnh nhân ở Ohio (Mỹ) được điều trị với tình trạng tương tự. Sau đó, cả 2 người cùng đi đến phòng khám ở Ohio để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ đã phát hiện ra các chủng nấm men Saccharomyces boulardii và Saccharomyces cerevisiae, hay còn gọi là nấm men bia, trong các mẫu phân của bệnh nhân. Tại thời điểm này, họ nghi ngờ người đàn ông mắc hội chứng ABS.

Để chắc chắn hơn với phỏng đoán này, các bác sĩ đã yêu cầu bệnh nhân ăn các thực phẩm giàu chất bột đường. 8 giờ sau, nồng độ cồn trong máu của người đàn ông tăng vọt lên hơn 0,05%. Điều này đã xác nhận chẩn đoán hội chứng ABS của anh ta. 

Mặc dù được điều trị chống nấm và áp dụng chế độ ăn kiêng không có carb, người đàn ông này vẫn thỉnh thoảng "tự say". Anh ta đã đến gặp các bác sĩ nội khoa, bác sĩ tâm thần, bác sĩ thần kinh và bác sĩ tiêu hóa để cố gắng kiểm soát cơn say tự phát của mình.

Sau đó, anh ta tiếp tục điều trị tại Trung tâm Y tế Đại học Richmond ở Đảo Staten, New York. Tại đây, các bác sĩ cho anh uống thuốc kháng sinh và theo dõi chặt chẽ trong khoảng hai tháng. 

Liệu pháp này đã loại bỏ thành công vi sinh vật sản xuất bia trong ruột của bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân được kê đơn uống men vi sinh để thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn có ích trong đường ruột. Dần dần, người đàn ông đã có thể kết hợp chất bột đường vào chế độ ăn uống của mình. 

Một năm rưỡi sau khi điều trị, người đàn ông này đã có thể thưởng thức một lát bánh pizza mà không sợ bị say hoặc tổn thương gan do rượu gây ra.

Người phụ nữ có bàng quang là "nhà máy bia"

Say dù không nhậu nhẹt, người đàn ông phát hiện cơ thể tự tạo ra… bia - 3

Một căn bệnh khác thậm chí còn hy hữu hơn ABS là tình trạng bàng quang tự sản xuất bia.

Theo một báo cáo được đăng tải trên tạp chí Annals of Internal Medicine, một người phụ nữ 61 tuổi khi tiến hành thăm khám để ghép gan vì bị xơ gan, các bác sĩ đã bất ngờ phát hiện nước tiểu của bà liên tục có kết quả dương tính với chất cồn (ethanol). Trong khi đó, bà cho biết mình không hề uống rượu bia.

Sau khi kiểm tra sâu hơn, các bác sĩ phát hiện ra rằng, vi khuẩn trong bàng quang của người phụ nữ đang lên men glucose (đường) thành chất cồn.

Tình trạng của người phụ nữ này tương tự hội chứng ABS. Tuy nhiên, những người bị ABS có thể bị say chỉ vì ăn tinh bột, trong khi với người phụ nữ này, quá trình lên men lại diễn ra trong bàng quang. Chất cồn không đi từ bàng quang vào máu, vì vậy người phụ nữ này cũng không bị say.

Tình trạng của người phụ nữ hiếm đến mức nó thậm chí còn chưa được đặt tên. Các bác sĩ trực tiếp tham gia điều trị đề xuất gọi nó là "hội chứng nhà máy bia tự động tiết niệu" hoặc "hội chứng lên men bàng quang".

Theo www.livescience.com