Sán lá gan đã lan ra 45 tỉnh thành

Từ 27 tỉnh, thành có người bị nhiễm sán lá gan lớn, đến nay căn bệnh này đã lan ra 45 tỉnh, thành. Có người bị nhiễm, mãi đến khi sán đục gối, khoét ngực chui ra ngoài mới biết!

Sán lá gan lớn đục người, chui ra!

 

Tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ, anh Lê Việt Cường, 35 tuổi, ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh không khỏi bàng hoàng kể về việc bị nhiễm sán lá gan lớn của mình.

 

Cách đây khoảng 4 tháng, anh thấy sức khỏe của mình tự nhiên giảm sút, đi làm hay bị chóng mặt, mờ mắt tức ngực, đau sau lưng hay sốt nhẹ vào khoảng 5 - 6 giờ chiều. Ngoài ra, còn có các biểu hiện chán ăn, cảm giác no bụng, đi ngoài toàn nước trong một tuần liền.

 

Anh Cường đã đến một số bệnh viện ở Hà Nội để khám bệnh thì được chẩn đoán là áp xe gan. Anh được bệnh viện cho tiêm thuốc, truyền kháng sinh hơn chục ngày, tốn kém khoảng hàng chục triệu đồng nhưng không khỏi bệnh.

 

Mãi sau, khi tiến hành hút dịch ở gan cho anh, bệnh viện mới phát hiện có sán lá gan trong gan của anh. Anh được chuyển đến Viện SR - KST - CT TƯ. Tại đây, anh điều trị được 10 ngày và các triệu trứng đau đớn, mỏi mệt không còn nữa...

 

Anh Cường chỉ là một trong tổng số hơn 200 người phải vào Viện SR - KST - CT TƯ từ đầu năm đến nay. Trường hợp như anh Cường còn khá may mắn, được phát hiện chậm nhưng cũng còn kịp điều trị đúng nơi, đúng bệnh.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Đề - Phó Trưởng Khoa Ký sinh trùng-Viện SR-KST-CT TƯ kể lại trường hợp một bệnh nhân khác mà ông đã từng điều trị.

 

Bệnh nhân này có những triệu chứng như anh Cường gặp phải, khi đi khám bệnh ở một số bệnh viện thì được bảo là ung thư gan. Điều trị mãi không khỏi, bác sĩ "phán" bệnh nhân: “Về nhà, chờ chết”! Về nhà, chờ mãi vẫn… chưa chết, bệnh nhân sốt ruột lại mò qua bệnh viện khác điều trị. Vẫn không khỏi và lại được khuyên “về nhà, chờ chết”, bệnh nhân này bèn đi “vái tứ phương”, may sao, có người mách bảo đến bác sĩ Viện SR – KST - CT TƯ.

 

Đến Viện xét nghiệm lại, nơi đây phát hiện gan bệnh nhân chứa… cả ổ sán lá gan lớn và cho uống vài liều thuốc đặc trị, điều trị hơn chục ngày thì khỏi!


Các địa phương bị nhiễm sán lá gan:

 

1. Hà Giang, 2. Lào Cai, 3.Yên Bái, 4. Tuyên Quang, 5. Sơn La, 6. Hòa Bình, 7. Bấc Giang, 8. Phú Thọ, 9. Thái Nguyên, 10. Bắc Ninh, 11. Vĩnh Phúc, 12. Hà Nội, 13. Hà Tây, 14. Hà Nam, 15. Hưng Yên, 16. Hải Dương, 17. Hải Phòng, 18. Quảng Ninh, 19. Thái Bình, 20. Nam Định, 21. Ninh Bình, 22. Thanh Hóa, 23. Nghệ An, 24. Hà Tĩnh, 25. Quảng Bình, 26. Quảng Trị, 27. Thừa Thiên Huế, 28. TP.Đà Nẵng, 29. Quảng Nam, 30. Quảng Ngãi, 31. Bình Định, 32. Kon Tum, 33. Gia Lai, 34. Phú Yên, 35. Đắk Lắk, 36. Khánh Hòa, 37. Đắk Nông, 38. Ninh Thuận, 39. Bình Thuận, 40. Lâm Đồng, 41. Đồng Nai, 42. Tây Ninh, 43. TP.HCM, 44. Bà Rịa - Vũng tàu, 45. Bến Tre.  

Một trường hợp khác, em Lê Thanh H., sinh năm 1991, ngụ tại xã Cao Dương, Huyện Thanh Oai, Tỉnh Hà Tây bỗng nhiên bị đau hạ sườn bên phải kèm theo sốt 39độC. 

 

Trong suốt hai tháng trời, H. được điều trị tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội với chẩn đoán áp-xe gan với hai ổ áp-xe. Thấy vậy, bệnh viện liền cho H. mổ gan, điều trị đông tây y kết hợp. Sau đó, bệnh giảm và H. được xuất viện.

 

Ra viện một tháng, H. lại bị đau khớp gối, lại phải đến một bệnh viện khác điều trị. Đến bệnh viện này, tự dưng một con sán lá gan lớn… chui ra từ khớp gối. Nó lớn bằng khoảng 2 đốt ngón tay, màu đỏ hồng. Từ đó, H. khỏi bệnh, mạnh khỏe bình thường.

 

Còn trường hợp của bà Nguyễn Thị H., sinh năm 1957, ngụ tại xã Tiến Hóa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Bình thì xuất hiện khối u dưới da ngực trái. Bệnh nhân có cảm giác đau, ngứa và như có vật gì di động trong khối u.

 

Bà H. đã đi nhiều nơi từ Quảng Bình, Huế đến Hà Nội để chữa bệnh. Có bệnh viện bảo là do sán, bệnh viện khác cho là u sụn sườn, một bệnh viện khác nữa thì cho là u vú.

 

Xét nghiệm, sinh thiết, chọc dò mãi… cho đến một ngày nọ, trong lúc bác sĩ đang cho chọc dò khối u thì một con sán lá gan lớn ngọ nguậy chui ra từ lỗ chọc dò! Con sán này to bằng cỡ 1 đốt lóng tay… Từ đó, bà H mới hết bệnh.

 

Lại còn có trường hợp, sán lá gan đào “đường hầm”, chui lủi ngoằn ngoèo trong cơ thể người bệnh. Đó là trường hợp một bệnh nhân nữ, trên 40 tuổi ở Gia Lai. Bệnh nhân có những triệu chứng như mệt mỏi, sợ mỡ, đau phía trên hông phải nhưng không sốt. Bác sĩ cho siêu âm gan thì thấy gan có tổn thương.

 

Sau đó, điều trị bằng thuốc kháng sinh thì bệnh nhân đỡ bệnh, nhưng lại xuất hiện mụn to mọng nước như nốt bỏng ở ngực phải bằng hạt lạc (đậu phộng). Quan sát, người ta thấy từ “nốt bỏng” này bỗng chạy thành đường ngoằn nghèo gẫy khúc. Mỗi ngày, “con đường” dài thêm 3-4 cm. Khi “đường hầm” dài tới 23,6 cm thì các bác sĩ thấy trong đó… một con sán lá gan lớn! 

Sán lá gan lan tràn, từ động vật qua người... 

Theo bác sĩ Đoàn Thị Hạnh Nguyên, Trưởng khoa khám bệnh - Viện SR - KST - CT TƯ, tính từ ngày 1/1 - 25/8/2006, Viện đã tiếp nhận 202 trường hợp bệnh nhân nhiễm sán lá gan.

Trong số này có 20 bệnh nhân ở Hà Nội. Còn lại, đa số bệnh nhân là ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ngoài ra, các tỉnh như Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Tây, Bắc Giang, Hà Nam… đều có người mắc.

 

So với các năm trước, số bệnh nhân nhiễm sán lá gan nhập viện ở Viện SR – KST - CT TƯ đã tăng mạnh.

 

Năm 2003, Viện chỉ điều trị có 7 bệnh nhân. Sang năm 2004, Viện tiếp nhận 45 bệnh nhân sán lá gan. Năm sau, 2005, 55 bệnh nhân sán lá nhân đến Viện điều trị. Và, cho đến nay, tuy chưa hết quý 3 năm 2006 mà số bệnh nhân nhiễm sán lá gan đã tăng gấp 4 lần so với cả năm trước!

 

Số liệu khảo sát của Viện SR - KST - CT TƯ vào tháng 8/2004, toàn quốc có 27/64 tỉnh, thành có người bị nhiễm sán lá gan. Tuy nhiên, đến nay, sau hai năm, theo TS. Đặng Thị Cẩm Thạch, Trưởng Khoa Ký sinh trùng, Viện SR - KST - CT TƯ, tính đến tháng 8/2006, toàn quốc đã có 45 tỉnh bị nhiễm sán lá gan với tổng số 1.465 người bị nhiễm (đến bệnh viện).

 

Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Giang Thanh, Phòng Ký sinh trùng-Viện Thú Y Quốc gia cho biết, theo điều tra của Viện Thú y Quốc gia, trên các vùng núi cao, tỷ lệ trâu bò nhiễm sán lá gan lên đến trên 90%.

 

Theo bà, sán lá gan là ký sinh trùng sống ký sinh ở các động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu, dê... có hai loại sán lá gan, sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Sán lá gan lớn do ấu trùng Fasciola gigantica phát triển thành.

 

"Hiện nay, chúng tôi chưa biết phải làm thế nào để có thể hạn chế trâu, bò bị nhiễm sán lá gan. Hiện cũng chưa có một chương trình phòng chống sán lá gan ở động vật thật sát sao...", Th.s Thanh nói.

 

Ăn rau sống: coi chừng nhiễm sán lá gan!

 

Bệnh sán lá gan lớn gây nên bởi một trong hai loại ký sinh trùng ký sinh ở động vật ăn cỏ (trâu, bò, cừu…) có tên khoa học là Fasciola hepatica và Fasciola gigantica; ấu trùng sán lá gan lớn từ chất thải của những động vật bị ký sinh này sẽ bám vào các loại rau sống dưới nước hay còn gọi là rau thủy sinh như rau ngổ, rau cải xoong, rau muống, rau diếp cá, rau đắng… Khi người ăn sống các loại rau thủy sinh có ấu trùng sán lá gan lớn sẽ bị nhiễm bệnh.

 

Người bị nhiễm sán lá gan thường bị đau tức vùng gan (hông phải), sốt, gầy sút, ngứa nổi mẩn, rối loạn tiêu hóa. Ấu trùng sán lá gan thường gây ra những ổ áp xe nhỏ trong gan, vì thế, dễ bị chẩn đoán nhầm. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng xuất huyết, thiếu máu nặng, vỡ bao gan và tử vong.

 

Sán lá gan lớn chết ở nhiệt độ 60 - 70 độ nhưng nếu ăn rau sống hoặc ăn lẩu tái, trần ở nhiệt độ 40 - 50 độ C thì ấu trùng sán lá gan vẫn sống được.

 

Theo Ngọc Huyền

Vietnamnet

Dòng sự kiện: Sán lá gan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm