1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

WHO: Bệnh sán lá gan lớn ở Việt Nam khá nghiêm trọng

Bệnh sán lá gan ở Việt Nam là khá nghiêm trọng, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp đủ thuốc điều trị cho Việt Nam…

Dưới đây là ý kiến của Bác sĩ Antonio Montresor, chuyên gia y tế về các bệnh sốt rét và ký sinh trùng thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có cuộc trao đổi về vấn đề này:

 

Tình hình nhiễm sán lá gan lớn ở Việt Nam sau hai năm đã lan ra 45/64 tỉnh, thành...  So với các nước trên thế giới, đây có phải là vấn đề nghiêm trọng đối với Việt Nam không?

 

Hiện nay, theo chúng tôi được biết thì sán lá gan lớn không lây nhiễm ở nhiều quốc gia.

 

Theo con số thống kê của chúng tôi, chỉ có những nước sau đây có số người bị nhiễm  hàng năm là Boliva: 360.000 người, Trung Quốc: 160.000 người, Ecuador: 20.000 người, Ai Cập: 830.000 người, Iran: 10.000 người, Peru: 742.000 người, Bồ Đào Nha: 267.000 người, Tây Ban Nha:1.000 người.

 

Bác sĩ Antonio Montresor, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sang Việt Nam công tác từ đầu năm 2004. Ông giúp Việt Nam trong công tác phòng chống các bệnh sốt rét và ký sinh trùng. Một trong những hoạt động nổi bật của ông tại Việt Nam là huy động các nguồn tài trợ để đẩy nhanh chiến lược tẩy giun cho học sinh tiểu học.

 

Năm 2005, đã có tới 2 triệu học sinh tiểu học ở 27 tỉnh trong cả nước được hưởng lợi ích này. BS An tonio huy vọng, tất cả học sinh tiểu học ở vùng có nguy cơ trong cả nước sẽ được tẩy giun định kỳ. Hiện nay, BS Antonio đang giúp Việt Nam đẩy nhanh chiến lược phòng chống sán. 

Việt Nam cũng được biết là quốc gia bị ảnh hưởng bởi sán lá gan lớn.

 

Sán lá gan lớn đúng là một vấn đề tương đối nghiêm trọng tại Việt Nam vì, như các cơ quan y tế Việt Nam đã công bố, hiện có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh sán lá gan lớn. Nhưng số bệnh nhân này lại phân bố ở nhiều huyện, nhiều tỉnh khác nhau mà bệnh sán lá gan lớn rất khó chữa nếu không có thuốc đặc trị.

 

Hơn nữa, bệnh sán lá gan lớn ở Việt Nam xảy ra chủ yếu ở động vật. Động vật mang mầm bệnh rất cao nhưng các biện pháp phòng chống bệnh sán lá gan lớn ở động vật hầu như không có.

 

Vấn đề thực sự chính là sán lá gan lớn ký sinh trong trâu bò và thịt trâu bò. Do sán lá gan lớn ký sinh trong gan nên làm cho nhiều bệnh nhân thực sự khổ sở, gây đau đớn cũng như nhiều vấn đề khác cho họ.

 

Ngoài ra, bệnh sán lá gan lớn rất khó chữa trị bằng các loại thuốc khác nếu không phải thuốc đặc trị. WHO hỗ trợ Việt Nam một số thuốc để điều trị cho bệnh nhân.

 

Xin ông cho biết thêm sự hợp tác giữa WHO và Việt Nam để giải quyết tình trạng này?

 

Như các bạn đã biết, sán lá gan lớn không phải là vấn đề của nhiều quốc gia nên các công ty dược phẩm không đầu tư sản xuất loại thuốc trị bệnh này để bán.

 

Để giải quyết tình trạng trên, WHO đã ký thỏa thuận với hãng dược phẩm Novartis, Thụy Sỹ để sản xuất thuốc đặc trị sán lá gan lớn Triclabendazole. WHO đã đặt sản xuất khoảng 600.000 viên thuốc Triclabendazole để cung cấp cho những quốc gia cần dùng. WHO cũng sẽ cố gắng cung cấp đủ thuốc cho Việt Nam.

 

Trong năm 2004 - 2005, WHO đã tài trợ cho Việt Nam 2.000 viên thuốc đặc trị bệnh sán lá gan lớn. Số thuốc này đủ để chữa trị cho 1.000 bệnh nhân. Thế nhưng, trong hai năm qua, số bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan lớn không phải là nhiều. Cho đến Tháng 4/2006, WHO đã tài trợ cho Việt Nam 10.000 viên thuốc đặc trị sán lá gan lớn, đủ điều trị cho 5.000 bệnh nhân.

 

Nếu số lượng bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan lớn ở Việt Nam thực sự tăng thì WHO vẫn đảm bảo cung cấp đủ thuốc cho Việt Nam.

 

Có những thông tin từ các cơ sở y tế cho biết, số lượng thuốc đặc trị sán lá gan lớn không đủ cung cấp cho bệnh nhân như ở Viện Sốt rét - ký sinh trùng Quy Nhơn vì số lượng bệnh nhân tăng nhanh?

 

Năm 2004-2005, WHO đã cung cấp cho Việt Nam 2.000 viên thuốc đặc trị sán lá gan lớn. Theo WHO ước tính, số thuốc này Việt Nam dùng không hết hoặc dùng đến lúc thuốc hết hạn.

 

Tháng 4/2006, WHO cung cấp cho Việt Nam 10.000 viên, gấp 10 lần so với hai năm trước đó do Việt Nam yêu cầu cung cấp cho toàn bộ năm 2006. Nhưng kể từ tháng 4/2006 đến nay, tức là mới chỉ trong vòng hơn 4 tháng, Việt Nam thông báo là đã sử dụng hết và đang gửi yêu cầu đề nghị WHO giúp đỡ.

 

Theo tôi, do bệnh nhân sán lá gan lớn phân bố ở trên 40 tỉnh, thành với khoảng 174 huyện, việc phân bổ thuốc để điều trị cho các bệnh nhân sán lá gan lớn thuộc về vai trò của hệ thống phòng chống sán lá gan lớn ở Việt Nam.

 

Theo đánh giá của chúng tôi trong chuyến khảo sát từ miền Nam ra miền Bắc hồi tháng 8 vừa qua, trong năm 2006, số lượng bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan lớn đang được điều trị ở 10 trung tâm y tế lớn của Việt Nam là: Trung tâm nghiên cứu Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM, Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng TPHCM, Trung tâm Phòng chống sốt rét Tỉnh Khánh Hòa, Bệnh viện Tỉnh Khánh Hòa, Cơ sở y tế huyện Vạn Ninh, Bệnh viện Tỉnh Khánh Hòa, Bệnh viện Quảng Ngãi, Bệnh viện Quảng Nam, Bệnh viện Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Bình Định và Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, Viện Y học Lâm sàng các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch mai là khoảng 2.000 bệnh nhân (tương đương với 4.000 viên thuốc đặc trị).

 

Có thể 6.000 viên còn lại đã dùng rồi, nhưng chúng tôi chưa nhận được các báo cáo về số lượng bệnh nhân đã dùng thuốc hoặc là thuốc còn đang nằm ở những cơ sở y tế mà chưa dùng hết.

 

Nhưng đã có những thông tin về việc thiếu thuốc Triclabendazole. Có thể là do cơ sở y tế này thiếu thuốc do số lượng bệnh nhân tăng cao. Trong khi đó, những cơ sở y tế khác thì lại thừa thuốc do ít bệnh nhân.

 

Chúng tôi cho rằng, cần phải nắm rõ tình hình nhiễm bệnh ở từng địa phương để phân phối thuốc hợp lý hơn.

 

Như ông cho biết, vào cuối tháng 8 vừa qua, ông đã có chuyến khảo sát ở nhiều địa phương để tìm hiểu tình hình bệnh sán lá gan lớn ở Việt Nam. Mục đích của cuộc khảo sát này là gì?

 

Chúng tôi đến thăm các cơ sở đó để thu thập số liệu, thảo luận các vấn đề chẩn đoán và điều trị. Trên cơ sở đó, chúng tôi có kế hoạch hợp tác với Việt Nam.

 

Đến tháng 10 tới, tôi sẽ sang Geneva, Thụy Sĩ để thảo luận về vấn đề giun sán trên toàn cầu. Tại đấy, tôi cũng sẽ cố gắng thảo luận vấn đề giun sán, đặc biệt là sán lá gan lớn ở Việt Nam để kêu gọi tài trợ cho Việt Nam.

 

Ông có đánh giá như thế nào trong chuyến khảo sát vừa rồi?

 

Thực sự, khi đến thăm những cơ sở y tế này, chúng tôi thấy rõ bệnh sán lá gan lớn đang trở thành một vấn đề nóng của Việt Nam hiện nay. Ở nhiều nơi, số lượng bệnh nhân sán lá gan lớn lên đến cả trăm người. Tuy nhiên, các cơ sở y tế mà chúng tôi đã đến đều có đủ khả năng để chấn đoán và điều trị bệnh này.

 

Xin ông cho biết cách phòng bệnh sán lá gan lớn ở Việt Nam?

 

Sán lá gan ký sinh ở trâu bò và lây nhiễm sang người thông qua nguồn thực phẩm là rau cũng như nhiều yếu tố khác liên quan tới rau. Chẳng hạn khi ăn rau sống, chưa được nấu chín, thì có thể nhiễm sán lá gan. Do vậy, để tránh nhiễm sán lá gan, chúng ta có thể tiến hành hai việc sau:

 

- Cách ly động vật nuôi như trâu, bò, cừu, dê... khỏi nơi ở của người.

 

- Điều trị cho động vật bị nhiễm sán lá gan và tránh chất thải của chúng vào nguồn nước.

 

- Không ăn sống các loại rau thủy sinh.

 

- Phát hiện sớm và điều trị người bệnh.

 

Ông có nhận định gì khi bệnh sán lá gan lớn rất dễ bị chẩn đoán nhầm sang những căn bệnh khác như áp xe gan, ung thư gan?

 

Chúng tôi đã đến nhiều cơ sở y tế và đã gặp những trường hợp bị chẩn đoán nhầm. Thế nhưng, chúng tôi cho rằng tỷ lệ chẩn đoán nhầm không cao. Đó là vì tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh sán lá gan lớn tương đối rõ và đặc hiệu.

 

Trong thời gian tới, WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết bệnh sán lá gan lớn?

 

Tất cả các bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan lớn ở Việt Nam sẽ được điều trị! WHO cố gắng cung cấp đủ thuốc cho Việt Nam. Thuốc đặc trị sẽ được cung cấp miễn phí tại các cơ sở y tế. Tuyến huyện sẽ phải là nơi điều trị bệnh nhân nhằm giảm chi phí và các tốn kém khác.

 

Hiện nay, chúng tôi đang viết các tài liệu để thảo luận với các hệ thống các Viện Sốt rét-Ký Sinh trùng-Côn trùng và những người làm công tác phòng chống giun sán. Sau đó, chúng tôi sẽ thảo luận vấn đề này với Bộ Y tế Việt Nam.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Chiều 27/9, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có cuộc họp với Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung Ương để bàn về vấn đề giải quyết bệnh sán lá gan lớn ở Việt Nam.

 

Tại cuộc họp này, đại diện WHO cho biết, đã lên kế hoạch và dự kiến WHO sẽ tài trợ cho Việt Nam 50.000 viên thuốc đặc trị sán lá gan lớn cho Việt Nam trong năm 2007.

 

Số lượng thuốc này sẽ được cung cấp đến tuyến huyện. Đồng thời, WHO sẽ tập huấn chuyên môn cho tuyến huyện cách xử lý và chữa trị bệnh sán lá gan lớn. Ngoài ra, WHO cũng cam kết, trong thời gian tới sẽ có đủ thuốc cho nhu cầu điều trị sán lá gan lớn ở Việt Nam.

 

Theo N.Huyền

VietNamNet

Dòng sự kiện: Sán lá gan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm