Sâm Việt Nam cần được xây dựng tiêu chuẩn chất lượng để tăng giá trị

Minh Nhật

(Dân trí) - Có nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh sâm Việt Nam có thành phần hóa học và tác dụng sinh học quý, không thua kém gì so với các loài sâm quý khác trên thế giới.

Từ lâu, nhân sâm là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền của các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam.

Các giống sâm Việt Nam ngày càng được nhân rộng, trồng và phát triển thành công tại Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu,... Điều này đã góp phần tạo dựng sự phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương.

Có nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh sâm Việt Nam có thành phần hóa học và tác dụng sinh học quý, không thua kém gì so với các loài sâm quý khác trên thế giới.

Thông tin được đưa ra tại buổi Hội thảo Khoa học với chủ đề "Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm", do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức.

Sâm Việt Nam cần được xây dựng tiêu chuẩn chất lượng để tăng giá trị - 1

Theo các chuyên gia, sâm Việt Nam cần có bộ tiêu chuẩn chất lượng để tăng tính cạnh tranh (Ảnh: CTV).

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, thời gian qua, bộ đã có sự đầu tư, quan tâm nhất định cho sâm Việt Nam, thể hiện qua việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh, triển khai các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu về sâm Ngọc Linh tại Kon Tum, hỗ trợ kiểm chứng chất lượng sâm, cũng như hoạt động quản lý nhà nước để bảo đảm chất lượng sâm, chống hàng giả, hàng nhái, đưa sâm Việt Nam vào danh mục sản phẩm quốc gia để ưu tiên nghiên cứu phát triển…

Theo GS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng sâm Việt Nam có thành phần hóa học và tác dụng dược lý tốt và không thua kém gì so với các loài sâm quý khác trên thế giới.

Là loài đặc hữu, một dược liệu rất quý hiếm của đất nước nên sâm Việt Nam đã được Chính phủ đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia từ năm 2017.

Sâm Việt Nam có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha & Grushv. là một trong 12 loài thuộc chi nhân sâm (Panax), họ ngũ gia bì (Araliaceae) được phát hiện lần đầu trong tự nhiên ở vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam vào năm 1973 và được chính thức ghi nhận đầy đủ về mặt định danh thực vật học năm 1985.

Cho đến nay, sâm Việt Nam đã được phát hiện ở rất nhiều địa phương khác nhau, ngoài Quảng Nam và Kon Tum còn có Lâm Đồng, Lai Châu...

Theo ông Lợi, các giống sâm Việt Nam như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu đều có khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế. Vì vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm sâm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm cần phải thay đổi để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sâm Việt Nam.

Theo GS Jeong Hill Park - Đại học Quốc gia Seoul (Nhà nghiên cứu sâm tại Hàn Quốc), so với tài liệu nghiên cứu của sâm Hàn Quốc, các tài liệu về sâm Việt Nam còn hạn chế, điều này gây không ít khó khăn cho các nhà khoa học nghiên cứu về giống sâm Lai Châu Việt Nam.

"Việt Nam nên đưa ra nhiều bộ luật liên quan về sâm và đặc biệt cần sự chung tay của người dân để giống sâm Việt Nam được phát triển mạnh mẽ", GS Park cho hay. 

Đồng quan điểm, TS Lê Quang Thảo, Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay vấn đề chất lượng sâm của Việt Nam rất đáng quan tâm. 

Giá sâm Ngọc Linh hiện nay khoảng 200-300 triệu đồng/kg, trong khi đó giá sâm Lai Châu khoảng 80-100 triệu đồng/kg. Tam thất hoang (sâm vũ điệp) giống sâm Ngọc Linh về hình thái, còn sâm Lai Châu lại rất giống sâm Ngọc Linh về hình thái và thành phần hóa học.

Vì vậy, nguy cơ làm giả rất cao trên thị trường trôi nổi và cần có phương pháp để phân biệt các loại sâm này.