Quản lý thực phẩm bị quy định của pháp luật “làm khó”
(Dân trí) - Thực phẩm là nhu cầu thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, sinh mạng của cả cộng đồng. Vấn nạn thực phẩm bẩn đang là nỗi lo của người dân, tuy nhiên nhiều quy định chồng chéo của pháp luật đang làm khó chính cơ quan thực thi.
Sau 1 năm thí điểm, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM đã quyết liệt xử lý rất nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm.
Đầu tháng 10/2017 gần 4.000 con heo bị phát hiện tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á huyện Củ Chi. Nếu theo quy định của pháp luật thì chỉ cần thời gian chờ heo đào thải, khi nước tiểu cho kết quả âm tính với thuốc, heo sẽ được giết mổ, đưa ra thị trường. Tuy nhiên, những đề xuất quyết liệt của Ban An toàn Thực phẩm và cơ chế đặc thù của thành phố đã buộc các thương lái phải tiêu hủy toàn bộ số hàng trên.
Tổng kết công tác thanh tra sau hơn 1 năm hoạt động từ đầy năm 2017 đến hết tháng 2/2018, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm đã kiểm tra đối với 967 cơ sở. Quá trình kiểm tra phát hiện vi phạm 174 cơ sở (chiếm tỷ lệ 18%), trong đó có 119 quyết đinh xử phạt với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, ban đang tiếp tục xử lý 55 trường hợp vi phạm với số tiền phạt dự kiến hơn 800 triệu đồng.
Tại buổi lễ tổng kết 1 năm hoạt động (ngày 12/3), bà PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn Thực phẩm thành phố nhận định: Bước đầu chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó, cùng với việc chống thực phẩm bẩn, ban đang nỗ lực kết hợp với các sở ngành của thành phố và các tỉnh thành khác để xây dựng nguồn thực phẩm sạch, thực phẩm theo chuỗi, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động, PGS Phong Lan thẳng thắn cho biết, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm đang vấp phải nhiều rào cản: “Chúng tôi là đơn vị triển khai pháp luật, nhưng các quy định của pháp luật lại bị chồng chéo, quy định về xử phạt chưa đủ nghiêm, chưa đủ tính răn đe. Mặt khác lực lượng thanh tra hiện nay quá mỏng trong khi nhiệm vụ lại quá nhiều”.
Dẫn chứng cho vấn đề trên, PGS Phong Lan chỉ ra: “Nếu làm phép so sánh với quốc gia trong khi vực như Thái Lan thì tại thủ đô Bangkok của nước bạn đá có tới 5.000 thanh tra thực phẩm Nếu kiểm tra, phát hiện vi phạm mức độ đến đâu thanh tra của họ được phép xử lý đến đó. Tuy nhiên, tại Việt Nam các quy định rất rắc rối, chỉ xét ở góc độ xử phạt hành chính, thực phẩm phải lưu kho, kiểm nghiệm, thời gian chờ đợi lâu, chủ hàng bất hợp tác hoặc bỏ trốn”.
Vi phạm an toàn thực phẩm cần phải xem là một dạng tội phạm. Tuy nhiên, để hình sự hóa những vi phạm có liên quan là vấn đề chưa có lời giải. “Muốn chuyển qua hình sự thì phải đáp ứng được những vấn đề trong điều luật.
Ví như vụ heo bị tiêm thuốc an thần, các quy định pháp luật chồng chéo nên khi vụ việc xảy ra, bộ này đổ cho bộ kia. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì cho rằng theo Nghị định 90 thì heo vẫn có thể đưa ra thị trường, heo chỉ bị tiêu hủy và hành vi trên chỉ bị hình sự hóa khi liều lượng thuốc an thần sử dụng trên heo vượt quá ngưỡng do Bộ Y tế quy định. Nhưng từ trước đến nay, Bộ Y tế chẳng đưa ra ngưỡng nào liên quan đến vấn đề trên. Rõ ràng xét về mặt Luật thì Bộ này đang chờ Bộ kia” - PGS Phong Lan cho hay.
Thực tế trên đang gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời sẽ tạo ra nhiều lỗ hổng cho những hành vi làm ăn bất chính lách luật. PGS Phong Lan cho biết, Ban An toàn Thực phẩm thành phố sẽ tiếp tục phối hợp cùng các sở ngành tham mưu cho UBND thành phố có văn bản kiến nghị các Bộ - ngành sớm có giải pháp điều chỉnh những quy định chồng chéo, bất cập.
Vân Sơn