1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quả tươi, người... héo

Bất chấp thời gian gần đây có nhiều cảnh báo về việc hoa quả Trung Quốc có thể chứa chất bảo quản gây ung thư, nhưng tại các chợ đầu mối Hà Nội hoa quả Trung Quốc vẫn được bày bán tràn lan mà không được kiểm soát.

Tràn lan nhưng… khó nhận biết

 

Từ 2h sáng, các xe tải đã tấp nập "đánh" hoa quả từ nhiều nơi đổ về chợ đầu mối hoa quả Long Biên (Hà Nội), trong đó các xe chở táo, cam, quýt, lựu… của Trung Quốc được đưa từ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh) về.

 

Hàng nghìn người mà chủ yếu là các lái buôn, tấp nập đưa các mặt hàng hoa quả về các đại lý nhỏ lẻ trong thành phố.

 

Theo quan sát tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên, các loại hoa quả Trung Quốc ở đây có đặc điểm chung là mẫu mã đẹp, vỏ tươi bóng, được bảo quản trong túi nilông và hộp xốp có ghi bằng chữ Trung Quốc.

 

Rời gian hàng bán cam, quýt, nho, chúng tôi lại hàng bán lựu. Trong vai khách hàng tạt vào muốn mua lựu đem đi xa nên cần mua loại còn tươi nguyên, được chủ quán chỉ tay vào sọt lựu: "Anh yên tâm đi, hoa quả ở quán tôi tươi như thế này anh có để cả tuần cũng chẳng sao!...".

 

Thấy tôi tỏ vẻ ái ngại, chủ quán thẳng thắn chỉ tay vào rốn quả lựu cho biết: "Lựu đã có thuốc bảo quản ở cuống này rồi thì anh không lo bị hỏng, có để một chứ hai tuần cũng chẳng sao. Nếu không bảo quản được thì bọn tôi đánh hàng từ xa về thế này bảo quản sao được…".

 

Theo các chuyên gia hóa học thì trái cây thường hỏng rất nhanh vì hai lý do: Một là do quá trình hô hấp có sẽ diễn ra giai đoạn tự chín, rồi tự thối rữa. Thứ hai là sau khi hái, trái cây sẽ bị sinh vật chui vào theo núm quả khiến cho quá trình thối rữa diễn ra rất nhanh. Trước đây, để kéo dài thời gian sử dụng người ta thường bôi vôi vào núm quả để vi sinh vật không thể chui vào được. Nhưng thực tế hiện nay, những người buôn bán hoa quả thường dùng hóa chất để bảo quản kéo dài thời gian tươi của trái cây.

Theo tìm hiểu thì giá các loại hoa quả tại chợ đầu mối Long Biên khá rẻ so với giá bán lẻ ngoài thị trường. Quýt chum có giá 40.000 đồng/kg, lựu 10.000 đồng/kg, nho xanh 130.000 đồng/ sọt 7kg… Ước tính, mỗi ngày có khoảng từ 40 đến 50 tấn hoa quả được chuyển từ Trung Quốc về đây bán với giá khá rẻ và lượng người đến mua rất đông.

 

Mặc dù hoa quả từ Trung Quốc bán tràn lan tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên nhưng thực tế tại khu chợ này hầu như không thấy bất kỳ một cơ quan chức năng nào cho kiểm tra chất lượng bảo quản.

 

Một lái buôn thẳng thắn cho biết: "Đi từ cửu khẩu về đây không bị kiểm tra, huống chi về đây cả một chợ chỉ có hoa quả thế này thì kiểm soát làm sao cho xuể được!".

 

Cảnh giác với hoa quả bảo quản bằng bao nilon

 

Trước thực trạng hoa quả ngoài thị trường đang được dùng thuốc bảo quản dưới nhiều hình thức, TS Vật lý Nguyễn Văn Khải cho biết, những loại hoa quả có bọc túi nilon được bảo quản bằng thuốc bảo quản thực vật, dù túi nilon đó có nguồn gốc từ đâu thì cũng rất độc hại.

 

Các loại thuốc bảo quản thực vật, khi có nilon bao bọc sẽ có tác dụng làm ức chế hô hấp, gây rụng lá. Cũng do tác dụng ức chế hô hấp, thuốc làm chậm lại quá trình chín của hoa quả, giữ chúng tươi lâu hơn. Có những loại thuốc có tác dụng làm cho cam sành thêm xanh, sầu riêng, cam, quýt và nhiều loại hoa quả chậm thối hơn.

 

Những loại thuốc bảo quản hoa quả có thể khử khuẩn nên làm hoa quả tươi bền hơn, nhưng khi các hóa chất này chui vào các tế bào lục lạp trong quả và đóng chặt ở đó khiến cho vỏ cứng lại. Ngoài ra, việc bọc bảo quản trong nilon khiến cho các chất đó không bay hơi, ngấm vào vỏ rồi khuếch tán vào ruột quả.

 

Quả càng mọng nước, vỏ càng mỏng, quá trình khuếch tán càng nhanh và thời gian để càng lâu, nồng độ trong ruột càng tăng cao. Đối với những loại hoa quả đã được bảo quản bằng hóa chất có bao bọc nilon thì biện pháp rửa bằng nước sạch, ngâm với nước muối… hầu như không có tác dụng, nhất là khi hóa chất đã ngấm sâu vào trong quả.

 

Theo TS Khải, cơ thể con người là một tập hợp nhiều chất, thậm chí có flo, lưu huỳnh, phốt pho, canxi nhưng phải đảm bảo tỉ lệ nhất định. Khi đột biến cao lên nhiều do tác dụng của những thuốc này sẽ làm cơ thể mất bình thường có gây nên ung thư.

 

Là một người đã đi Trung Quốc và tham gia nghiên cứu bảo quản hoa quả ở Trung Quốc, TS Khải cho rằng không nên ăn những hoa quả bọc trong túi nilon dù túi nilon đó có đẹp đi chăng nữa. Không nên ăn quả không có lá xanh, cuống xanh, mã xấu hay bị dập nát, giảm mùi. Ông Khải cũng khẳng định: "Các túi nilon được bao bọc bảo quản hoa quả chính là mầm mống của nhiều căn bệnh ung thư, nếu như hoa quả được phun hóa chất bảo quản".

 

Để chứng minh cho ý kiến của mình, ông Khải dẫn chứng bằng ví dụ cụ thể phân biệt ở quýt chum. Nếu lá đã héo mà quả mềm thì không độc, còn nếu quả cứng thì có nghĩa quả có chất bảo quản thực vật. "Hãy cảnh giác với những loại quả tươi, vỏ đẹp, người dân ăn nhiều những loại quả độc hại sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, héo hon vì bệnh tật", TS Khải khuyên.

 

Theo Vũ Điệp - Trà My

Vietnamnet

Dòng sự kiện: Thuốc từ quả