1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quá tải khiến bệnh viện lo ngại bị dịch MERS “đánh úp”

(Dân trí) - Tình trạng quá tải không chỉ gây khó khăn trong điều trị trong trường hợp dịch MERS xuất hiện mà còn gia tăng nguy cơ nhiễm chéo. Dù thực hiện tờ khai y tế đối với người nhập cảnh từ vùng dịch, nhưng Bộ Y tế lo ngại khó giám sát được sức khỏe của họ.

Thiếu trang thiết bị, tăng nguy cơ nhiễm chéo 

Trước diễn biến phức tạp của của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khu vực Trung Đông (MERS) và nhiều quốc gia trên thế giới chiều 4/6, đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp nhận, điều trị khi phát hiện bệnh nhân mắc MERS tại bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM. 

Các trang thiết bị hồi sức cấp cứu đang không đủ đáp ứng cho người bệnh tại Chợ Rẫy
Các trang thiết bị hồi sức cấp cứu đang không đủ đáp ứng cho người bệnh tại Chợ Rẫy

Chợ Rẫy là bệnh viện đầu ngành tại khu vực phía Nam, ngoài việc đảm bảo công tác khám chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện trên địa bàn, bệnh viện còn được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị khi có dịch bệnh khẩn cấp. Tuy nhiên, tình hình quá tải bệnh nhân đang diễn ra khiến bệnh viện phải căng mình thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc. 

Báo cáo trước đoàn công tác của Bộ, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, hiện mỗi ngày bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho khoảng 2.700 bệnh nhân, đa số là các ca bệnh nặng. Hầu hết các thiết bị hồi sức cấp cứu đã được huy động vào việc điều trị nhưng vẫn không đủ đáp ứng. Chỉ tính riêng máy thở, bệnh viện có khoảng 100 chiếc hiện đã sử dụng hết, nhiều ca bệnh nặng nhưng không đủ máy, người nhà bệnh nhân phải thay phiên nhau bóp bóng trợ thở. 

PGS Trường Sơn bày tỏ quan ngại, dịch MERS đã được cảnh báo ở mức độ rất nguy hiểm, bệnh không có triệu chứng rõ ràng nên thường nhầm lẫn với các bệnh truyền nhiễm khác và chưa có thuốc dự phòng cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Với tình hình quá tải đang xảy ra tại Chợ Rẫy, trong trường hợp xuất hiện ca bệnh, nguy cơ nhiễm chéo xảy ra ngay trong bệnh viện là rất lớn.

Thông điệp khuyến cáo cộng đồng chủ động phòng ngừa bệnh truyền nhiễm tại Chợ Rẫy
Thông điệp khuyến cáo cộng đồng chủ động phòng ngừa bệnh truyền nhiễm tại Chợ Rẫy

Dù phải đối mặt với những khó khăn nhất định, nhưng bệnh viện Chợ Rẫy đã chủ động các phương án ứng phó với dịch MERS. TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: Bệnh viện đã lên phương án chi tiết cho từng bộ phận trong tình huống có ca bệnh nhập viện. Ngoài ra, bệnh viện sẽ củng cố đội cấp cứu chống dịch hoạt động 24/24 giờ trong thời gian có dịch; bệnh viện thành lập “Nhóm theo dõi điều trị hội chứng MERS” để đảm bảo chẩn đoán, xử trí nhanh, chính xác và sẵn sàng góp ý, hỗ trợ về chẩn đoán và điều trị cho tuyến dưới. Trong trường hợp cần kíp, sẽ thành lập bệnh viện dã chiến dành riêng cho nhiệm vụ chống dịch MERS.

Cũng như bệnh viện Chợ Rẫy, TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho hay: Bệnh viện đã xây dựng quy trình tiếp nhận bệnh nhân, trong đó khoa Nhiễm D sẽ là nơi tiếp nhận điều trị khi có ca nghi nhiễm MERS ở mọi thời điểm. Bệnh viện đã chuẩn bị 36 máy thở cùng thuốc vật tư có khả năng tiếp nhận 50 bệnh nhân. Việc điều trị được chia thành nhiều khu vực theo các mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân và có khu cách ly đặc biệt. Tại phòng bệnh đã được trang bị hệ thống oxy, camera theo dõi, máy thở, máy chụp X-quang để theo dõi điều trị cho bệnh nhân. Trong trường hợp khoa Nhiễm D quá tải, bệnh nhân sẽ được chuyển xuống khoa Nhiễm A.

Khó giám sát những người nhập cảnh có nguy cơ 

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay MERS là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp. Bệnh xuất phát từ dơi sau đó truyền sang lạch đà, con người đã bị nhiễm bệnh từ lạc đà, bệnh tiếp tục diễn biến nguy hiểm khi lây từ người sang người. Tính đến ngày 3/6, thế giới có 1.179 người nhiễm bệnh này tại 26 quốc gia, trong đó 442 trường hợp đã tử vong. Tại Hàn Quốc chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên đến nay đã có ít nhất 35 người mắc bệnh, khiến 2 trường hợp tử vong. 

Khu cách ly đặc biệt tại bệnh viện bệnh Nhiệt Đới sẵn sàng ứng phó với MERS
Khu cách ly đặc biệt tại bệnh viện bệnh Nhiệt Đới sẵn sàng ứng phó với MERS

Trước đây, y học cho rằng nguy cơ lây từ người sang người của vi rút corona là rất hạn chế. Tuy nhiên, thực tế dịch MERS đang “leo thang” nhanh đến mức không thể kiểm soát tại Hàn Quốc đã gây bất ngờ cho các nhà khoa học. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra sự biến đổi độc lực của vi rút corona và việc chưa tìm ra phương thuốc điều trị đặc hiệu đang gây nên một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội trên toàn cầu.

Phân tích của Cục trưởng Trần Đắc Phu chỉ ra: Việt Nam, Hàn Quốc cũng như các nước đang bị dịch MERS lưu hành có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau về nhiều mặt. Sự thông thương về hoạt động kinh tế, du lịch, học tập, khám chữa bệnh… đã gia tăng nhu cầu đi lại, mỗi ngày trên cả nước có hàng nghìn người nhập cảnh qua đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Tính riêng tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất TPHCM, mỗi ngày có hơn 1.000 người nhập cảnh và quá cảnh đến từ Hàn Quốc. 

Dịch MERS có thời gian ủ bệnh từ 2 đế 14 ngày, để chủ động phát hiện ca bệnh, Việt Nam đang thực hiện tờ khai y tế, giám sát thân nhiệt đối với những người nhập cảnh đến từ vùng dịch tại các cửa khẩu. Tuy nhiên, thực tế từ đợt phòng chống Ebola thời gian qua cho thấy, việc giám sát những người nhập cảnh có yếu tố nguy cơ là không hề đơn giản. Tại TPHCM đã từng xảy ra tình trạng khi có người nghi nhiễm Ebola vào bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới điều trị, chính quyền sở tại đã không thể liên lạc được với hầu hết những người nhập cảnh có yếu tố nguy cơ qua số điện thoại được khai báo trong tờ khai y tế, khi tìm đến địa chỉ được ghi trên tờ khai thì đó là địa chỉ ảo.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác chuẩn bị chống dịch tại Chợ Rẫy 
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác chuẩn bị chống dịch tại Chợ Rẫy 

Trước vấn đề trên, Cục trưởng Trần Đắc Phu cho rằng, việc kiểm soát, giám sát sức khỏe đối với hàng nghìn người nhập cảnh mỗi ngày trên cả nước là nhiệm vụ không hề đơn giản. Ông khuyến cáo, để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như sức khỏe của người thân và cộng đồng, những người nhập cảnh từ vùng dịch cần khai báo chi tiết, chính xác về tình trạng sức khỏe của bản thân. Trong thời gian 2 tuần kể từ ngày nhập cảnh, nếu có biểu hiện bất thường về sức khỏe phải chủ động thông báo đến cơ sở y tế địa phương nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời, tránh nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch trên diện rộng.   

Tại buổi giám sát, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Dù chưa phát hiện ca bệnh MERS nhưng nguy cơ bệnh lây nhiễm bệnh từ Hàn Quốc vào nước ta là rất lớn. Bộ Y tế đã nâng mức độ giám sát bệnh MERS cao hơn so với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xuất hiện trước đây. Theo đó, ngay cả những trường hợp mới chỉ nghi ngờ mắc bệnh MERS cũng phải thực hiện xét nghiệm bệnh phẩm. 

Thứ trưởng nhận định, qua kiểm tra bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho thấy, các đơn vị đã làm tốt công tác chuẩn bị thu dung, tiếp nhận và điều trị trong tình huống phát hiện bệnh nhân mắc MERS. Tuy nhiên, cùng với công tác điều trị tại chỗ, các đơn vị cần làm  tốt việc tập huấn hỗ trợ chuyên môn cho cơ sở y tế tuyến dưới; thường xuyên liên kết trao đổi thông tin với y tế các địa phương để chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Đà Nẵng họp bàn kế hoạch phòng chống dịch bệnh MERS

Đà Nẵng đã áp dụng khai báo y tế tại sân bay

Đà Nẵng đã áp dụng khai báo y tế tại sân bay

Chiều 4/6, Sở Y tế Đà Nẵng cùng các cơ quan liên quan đã có buổi cuộc họp bàn kế hoạch tăng cường công tác phòng chống lây nhiễm Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do MERS–CoV.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Trúc Lâm – Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Đà Nẵng cho biết: từ ngày 3/6, Đà Nẵng đã áp dụng khai báo y tế tại sân bay và ngày 4/6 cũng đã triển khai tại cảng biển.

Cũng theo ông Lâm, hiện nay thông tin đại chúng toàn đưa số lượng mắc chứ chưa đưa thông tin hướng dẫn cho người dân cách phòng tránh. Nhiều công ty lữ hành đã gọi điện cho ông hỏi phải làm gì khi họ đưa khách đi du lịch ở Hàn Quốc.

Trước tình hình diễn biến của dịch MERS–CoV, Sở Y tế Đà Nẵng cũng đã lên kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Theo đó, tăng cường sự chỉ đạo của Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp, thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch MERS–CoV khi có dịch xảy ra, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch.

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể về phòng, chống dịch.

Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu quốc tế, giám sát chặt chẽ tình hình dịch. Trung tâm y tế dự phòng thành lập 2 - 3 đội phòng tránh dịch cơ động.

Trung tâm y yế các quận huyện chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan. Tổ chức thường trực chống dịch 24/24h khi có dịch để nắm bắt tình hình, theo dõi chỉ đạo khai thác các biện pháp phòng chống dịch kịp thời. Tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về hướng dẫn giám sát, điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch.

Thiết lập đường dây nóng thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sẵn sàng đầy đủ dụng cụ, môi trường lấy mẫu bệnh phẩm, cử cán bộ trực tiếp tham gia lấy mẫu bệnh phẩm những ca đầu tiên nghi mắc nhiễm MERS. Phát hiện sớm những trường hợp mắc hoặc ca nghi mắc bệnh truyền nhiễm MERS-Cov để có biện pháp cách ly, điều trị xử lý kịp thời.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng cho biết: Trung tâm đã hoàn thiện 2 đội cơ động phòng chống dịch.

Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Thạnh, công tác giám sát cộng đồng hiện nay rất khó bởi thời gian ủ bệnh kéo dài có thể lọt sổ. Có trường hợp nhiễm nhưng không biểu hiện bệnh ra. Vì thế, trước hết phải đẩy mạnh công tác truyền thông, tránh tình trạng bệnh nhân như ở Hàn Quốc vào 4 cơ sở y tế. Và cũng nên chọn bệnh viện Đà Nẵng nơi thu dung điều trị.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Sơn – Trưởng phòng quản lý hành nghề y tế tư nhân, cần phổ biến phác đồ chẩn đoán và điều trị để dân hiểu các triệu chứng như thế nào. Riêng tòa nhà Trung tâm hành chính TP cũng phải có biện pháp khi số lượng người làm việc ở đây là rất lớn.

Kết luận cuộc họp, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến – Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng nhận định: Tốc độ lây lan dịch bệnh tại Hàn Quốc rất cao. Và thành phố Đà Nẵng có nguy cơ lây nhiễm rất lớn vì là thành phố du lịch.

“Mục tiêu của chúng ta đưa ra rất rõ ràng là phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp, giảm tử vong tối đa. Hiện nay công tác triển khai phòng chống dịch, sở đã gửi các cơ quan. Các đơn vị sớm triển khai cho đơn vị mình. Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tổ chức tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, khuyến cáo cho người dân biết về dịch bệnh nhưng tuyên truyền sao để người dân không hoang mang, lo lắng”, bác sĩ Yến nói thêm.

Khánh Hồng

Vân Sơn

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm