Ứng phó khẩn cấp với bệnh nhi nhiễm MERS như thế nào?
(Dân trí) - Sau khi tiếp nhận một ca dương tính với MERS, ngay lập tức bệnh viện Nhi Đồng 1 tiến hành các biện pháp cách li, điều trị, khử khuẩn. Tình huống giả định trên đã được bệnh viện diễn tập để sẵn sàng ứng phó khi có ca bệnh.
Sáng 25/6, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM tổ chức diễn tập công tác thu dung, điều trị đối với 1 trường hợp nghi nhiễm MERS và 1 trường hợp nhiễm MERS.
Trong tình huống giả định thức nhất, sau khi gia đình đi du lịch từ Nhật Bản về, đứa con nhỏ có biểu hiện sốt cao, trước thông tin dịch MERS đang hoành hành, phụ huynh lo ngại con họ có thể đã bị nhiễm bệnh nên đưa tới bệnh viện Nhi Đồng 1. Vừa bước xuống xe, người cha bế con đến nhờ bảo vệ hướng dẫn khám bệnh.
Sau thông tin bệnh nghi nhiễm MERS từ người nhà, ngay lập tức lực lượng bảo vệ phát khẩu trang cho bệnh nhân, thân nhân đồng thời tạo hành lang cách ly an toàn giữa người nghi nhiễm với bệnh nhân khác tại khu vực khám bệnh.
Thông tin về ca bệnh nghi nhiễm ngay lập tức được thông báo đến khoa cấp cứu của bệnh viện, bệnh nhi được hướng dẫn di chuyển vào khu vực kiểm soát dịch MERS. Trẻ được đo thân nhiệt, thăm khám lâm sàng; bác sĩ hỏi kỹ lưỡng về bệnh sử và quốc gia người bệnh đã đến trong chuyến du lịch.
Từ thông tin bệnh nhân tham quan tại Nhật Bản, quốc gia chưa có dịch MERS, và tình trạng bệnh của trẻ, bác sĩ đã loại trừ nguy cơ nhiễm MERS đồng thời kê toa thuốc cảm sốt cho trẻ, hướng dẫn người nhà đưa bé về chăm sóc và theo dõi bệnh.
Tình huống thứ 2, đường dây nóng của Nhi Đồng 1 tiếp nhận cuộc gọi đến từ bệnh viện địa phương. 1 ca bệnh dương tính với dịch MERS về Việt Nam từ Trung Đông đã được xác định, bệnh viện địa phương đề nghị chuyển lên Nhi Đồng 1 điều trị. Ngay lập tức bệnh viện kích hoạt hệ thống ứng phó với dịch bệnh khẩn cấp. Đội ngũ y bác sĩ với trang phục bảo hộ, dụng cụ y tế, thuốc, giường bệnh, phương tiện điều trị hiện đại… sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.
Để đảm bảo an toàn cho các bệnh nhi khác tại khoa Cấp cứu, bệnh viện đã chuyển trường hợp nhiễm MERS đến phòng cách ly tại khoa Nhiễm. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị sốt cao, suy hô hấp ngay lập tức được chăm sóc tích cực, hỗ trợ thở máy, các bước X-quang, xét nghiệm máu, báo cáo ca bệnh… được tiến hành ngay sau đó. Trong trường hợp bệnh diễn tiến nặng, phòng điều trị áp lực âm tại khoa cấp cứu cũng đã sẵn sàng phục vụ điều trị.
TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện, cho biết: “Buổi diễn tập tiếp nhận, điều trị bệnh nhi nghi nhiễm và nhiễm MERS là một trong những bước chuẩn bị đặc biệt cần thiết đối với bệnh viện, nhằm mục đích trang bị những kỹ năng, phương pháp xử lý cho không chỉ các y bác sĩ mà còn cho tất cả các nhân viên đang làm việc tại bệnh viện.
Trước buổi diễn tập, trong 2 tuần qua bệnh viện đã tập huấn phòng chống dịch MERS cho 1.700 cán bộ nhân viên, các trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế cho chống dịch đã được chuẩn bị đầy đủ. Trong trường hợp có dịch xảy ra, nếu cần hỗ trợ thêm trang thiết bị chúng tôi sẽ kiến nghị lên UBND thành phố để xin chi viện”.
Tại buổi diễn tập, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm nhấn mạnh: Việc cách ly tại chỗ đối với những trường hợp nghi nhiễm và đã nhiễm MERS là đặc biệt quan trọng. Nếu không làm tốt khâu cách ly, bệnh nhân sẽ tiếp xúc với nhiều người khác khi đó hậu quả sẽ khôn lường. Với những trường hợp nghi nhiễm, bác sĩ cần phải điều tra kỹ về bệnh sử, chỉ định các bước kiểm tra xét nghiệm cần thiết, tuyệt đối không chủ quan.
Bên cạnh đó, nếu có ca bệnh phải thực hiện triệt để công tác vệ sinh khử khuẩn; nhân viên y tế phải tuân thủ mọi quy định về trạng phục bảo hộ và các vấn đề liên quan khi tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân. Thực tế tình trạng MERS nhiễm chéo cho nhân viên y tế tại Hàn Quốc đang là bài học xương máu cho y tế của các quốc gia khác và Việt Nam.
Vân Sơn