Phòng ngừa từ xa tai nạn ngày Tết

Trong khi mọi người được nghỉ Tết thì các khoa cấp cứu, trung tâm chống độc vẫn sáng đèn 24/24 để xử lý ngộ độc thực phẩm, rượu bia, tai nạn chấn thương... Vì thế, dự phòng và điều trị ngộ độc cấp do thực phẩm và rượu bia sẽ giúp có một cái tết trọn vẹn.

Hội tụ bao yếu tố nguy cơ

 

Phòng ngừa từ xa tai nạn ngày Tết

Tết là dịp sum họp, cũng là thời điểm hội tụ đủ loại nguy cơ (ảnh chỉ mang tính minh hoạ). Ảnh: Hồng Thái

 

Tết là thời gian “hội tụ” nhiều yếu tố nguy cơ. Việc mua và dự trữ quá nhiều thực phẩm (thịt giò, chả, nem, các loại thuỷ hải sản, các loại bánh kẹo, mứt) gây khó khăn trong việc bảo quản sử dụng, đặc biệt với các thực phẩm chế biến sẵn.

 

Do ăn nhiều loại thực phẩm, uống nhiều loại rượu, bia trong một ngày, dễ gây mất cân bằng dinh dưỡng: thịt và mỡ quá nhiều, dạ dày, tuỵ gan luôn phải làm việc quá sức, tiết nhiều enzyme để tiêu hoá và chuyển hoá thức ăn sẽ gây ra đầy bụng hay viêm tuỵ cấp, gan nhiễm mỡ; đường, tinh bột quá nhiều có thể gây rối loạn tiêu hoá như tiêu chảy, tăng đường máu; lượng ethanol cao trong máu do uống nhiều rượu, bia tuỳ nồng độ mà gây ngộ độc, hôn mê, đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim, chấn thương, hạ thân nhiệt, suy hô hấp có thể tử vong.

 

Nếu sử dụng phải thực phẩm không được kiểm soát, không đảm bảo vệ sinh, rượu giả... thì có thể nhiễm khuẩn, ngộ độc thực phẩm.

 

Các tác nhân gây ngộ độc

 

Do hoá chất bảo vệ thực vật tồn dư trong rau quả (phốtpho hữu cơ, clo hữu cơ), chất phụ gia ngoài danh mục cho phép, phẩm màu không rõ nguồn gốc, hàn the trong giò, chả...

 

Do nhiễm khuẩn E. coli, Staphylococcus aureus, clostridium ferfringens, Bacilus cereus, campylobacter jejuni, salmonella... trong thức ăn lưu trữ lâu, bảo quản không đủ độ lạnh, để quá hạn, quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm không sạch, nấu chưa chín, nấu lại nhiều lần... Người bệnh khi bị ngộ độc thường biểu hiện bằng hội chứng viêm dạ dày ruột xâm lấn: đau quặn bụng đi ngoài nhiều lần, phân có máu, nôn mửa, sốt, mệt do thiếu dịch và điện giải. Nguy hiểm hơn cả là phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae) nhóm huyết thanh O1 là tác nhân gây bệnh lan truyền thành dịch mà ở nước ta vừa trải qua.

 

Cũng cần nhắc tới nguy cơ nhiễm khuẩn cúm H5N1 từ gia cầm, bởi thịt gà và gia cầm thường được nhập vô tội vạ trong dịp tết.

 

Do rượu bia, vốn luôn có mặt trong các bữa ăn, bữa nhậu ngày tết. Rất nhiều loại rượu có nhãn mác nước ngoài rất khó kiểm soát thật giả, chất lượng cũng khó biết, chưa kể các loại rượu do dân tự nấu không đảm bảo vệ sinh, rất dễ gây ngộ độc. Ngộ độc rượu không chỉ gây hại cho sức khoẻ mà có thể gây tử vong: bệnh nhân hôn mê sâu, hạ đường huyết, tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim và xa hơn là tàn phá dần gan của người quen uống rượu. Ngộ độc rượu có methanol (pha từ cồn công nghiệp) thì cực kỳ nguy hiểm, nếu cứu sống được người bệnh cũng có thể mù suốt đời vì biến chứng.

 

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm

 

Các triệu chứng cấp tính của ngộ độc thực phẩm xảy ra ngay sau khi ăn 30 phút, chậm hơn là 6 - 10 giờ, thậm chí hai đến ba ngày sau mới xuất hiện triệu chứng tuỳ thuộc vào mỗi tác nhân gây ngộ độc. Các độc tố, độc chất có trong thực phẩm thì triệu chứng xuất hiện sớm hơn; với vi khuẩn, độc tố, nấm thì triệu chứng xuất hiện muộn hơn. Nhưng dù sớm, dù muộn các triệu chứng thường có là: nôn, buồn nôn, đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy hay tiêu ra máu; khát nước, tiểu ít, mệt lả, yếu cơ, sốt hay không sốt; biểu hiện thần kinh cơ (do các độc tố, nội độc tố vi khuẩn, yếu cơ, liệt cơ, lơ mơ, co giật, hôn mê, suy hô hấp); biểu hiện tuần hoàn: mạch nhanh, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp; biểu hiện suy gan, suy thận; vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu, đau vùng gan, tiểu ít hay vô niệu; rối loạn chức năng gan và thận trên xét nghiệm.

 

Biện pháp dự phòng

 

Không nên ăn quá no, uống quá nhiều trong một bữa và trong cả ngày. Không nên chế biến nhiều thực phẩm, để tủ lạnh lâu và nấu lại nhiều lần. Không nên ăn nhiều thịt, thực phẩm rán, chiên nhiều mỡ dầu, hạn chế thực phẩm có đường ngọt. Không uống nhiều loại nước ngọt, hạn chế tối đa uống rượu và bia. Thức ăn cần nấu chín, hạn chế rau sống. Tránh lạnh, ăn ngủ điều độ.

 

Theo GS.TS. BS Nguyễn Thị Dụ

Sài Gòn tiếp thị

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm