TPHCM:
Phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh "đối phó" với quá tải
(Dân trí) - Quá tải bệnh viện đang ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng khám và điều trị cho người dân, tạo cơ hội đục khoét cho những con sâu trong ngành y. Để giải quyết tình trạng này, trước mắt thành phố đang đầu tư phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh tại quận huyện.
Khi những kế hoạch đầu tư mở rộng hoặc xây mới các bệnh viện của ngành Y tế đã bị “phá sản” hoặc còn nằm trên giấy thì đây được xem như giải pháp tình thế để “chạy chữa” cho căn bệnh “quá tải”. Nhưng nước cờ này liệu có mang lại hiệu quả khả quan bởi mỗi khi “đau đầu chóng mặt”, người dân lại bỏ ngoài tai những lời động viên hô hào của cơ quan chức trách kéo nhau đổ xô về các bệnh viện tuyến trên chỉ vì “sợ dao kéo của tuyến cơ sở”.
Báo cáo của ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố cho thấy: Trong khi các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành của thành phố đang quá tải trầm trọng, 2-3 bệnh nhân mỗi giường bệnh thì tại các bệnh viện quận huyện, công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt khoảng 60%. Cá biệt có nơi công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt 40%.
Để “gieo cấy” lòng tin ở người dân, thời gian qua ngành Y tế TPHCM đã có nhiều hoạt động nhằm chấn chỉnh và nâng cao trình độ chuyên môn cũng như trang thiết bị của các bệnh viện tuyến quận huyện. Thành phố đã tăng cường đội ngũ y, bác sĩ, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới nhưng thực tế thì các bệnh viện quận huyện vẫn nhàn nhã còn bệnh viện tuyến trên thì luôn phải căng mình hoạt động quá công suất.
Ở thời điểm hiện tại, cán cân bệnh nhân đang lệch hẳn về tuyến bệnh viện thành phố và bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, gánh nặng này chỉ có thể mang ra chia đều về tuyến bệnh viện quận huyện thì tình trạng quá tải mới có thể được cải thiện. Để giải quyết bài toán ấy, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch thành phố đưa ra phép tính: Giảm tải = nguồn nhân lực + trang thiết bị + thương hiệu (tại các bệnh viện vệ tinh).
Điều đó đòi hỏi các bệnh viện tuyến quận huyện để có thể trở thành bệnh viện vệ tinh của bệnh viện tuyến trên cần phải có nguồn nhân lực với trình độ chuyên môn cao và trang bị kỹ thuật hiện đại đủ khả năng đáp ứng cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực cho ngành y tế đặc biệt là nhân lực có trình độ chuyên môn cao đang bị thiếu hụt, cùng với đó là sự lạc hậu của trang thiết bị nên để có một giải pháp đồng bộ cho phép tính trên, không phải một sớm một chiều đã có thể đáp ứng được.
Giải pháp chiều sâu mang tính triệt để đang được thành phố triển khai với 3 dự án y tế quan trọng bao gồm: Cụm Viện trường với diện tích 105ha tại huyện Củ Chi, Cụm Y tế Bình Chánh trên diện tích 54ha và Dự án các bệnh viện cửa ngõ gồm 6 bệnh viện và 1 trung tâm xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến, đến năm 2015 khi các dự án hoàn thành, TPHCM sẽ có thêm 5.500 giường bệnh. Thành phố cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2015 giảm tình trạng quá tải bệnh viện được 50% và năm 2020 giảm tải được từ 70 - 80%.
Tuy nhiên, thành phố không thể ngồi nhìn các bệnh viện quá tải để chờ các dự án hoàn thành. Trước tình thế này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Đề nghị các bệnh viện trên địa bàn TPHCM cùng bắt tay vào việc giảm tải. Trước mắt phải tận dụng số cơ sở vật chất hiện có, đặc biệt là số giường bệnh hoạt động chưa hết công suất tại các bệnh viện quận huyện vào mục đích gánh vác bệnh nhân cho bệnh viện tuyến trên”.
Bộ trưởng yêu cầu: “Thành phố cần phải chủ động về nguồn vốn để đầu tư nâng cao nguồn nhân lực và trang thiết bị kỹ thuật cho tuyến quận huyện. Trên cơ sở đó các bệnh viện tuyến trên chọn cho mình bệnh viện tuyến dưới phù hợp nhất để làm cơ sở hai, giao cho giám đốc tuyến cơ sở kiêm nhiệm giám đốc cơ sở hai của mình”. Với sự kết hợp nhịp nhàng này, bà Bộ trưởng Kim Tiến đang kỳ vọng sẽ có một bước đột phá trong việc giải quyết tình trạng quá tải.
Vân Sơn