Nuôi trẻ béo, trẻ gầy ngày Tết

Thực tế trong thăm khám dinh dưỡng, đã ghi nhận nhiều trẻ thừa cân, béo phì đã tăng cân rất đáng kể ngay sau tết. Còn trẻ gầy thì lại có khuynh hướng sụt cân sau những ngày vui này.

 

Nuôi trẻ béo, trẻ gầy ngày Tết  - 1

Đi nhiều nơi, ăn uống liên tục các loại đồ ngọt là nguyên nhân chính khiến trẻ gầy trẻ béo đều bị "ốm" sau dịp Tết
 

Thay đổi món khoái khẩu của trẻ

 

Sở dĩ có sự phát triển trái ngược nhau như trên là vì trẻ thừa cân vốn rất có “tâm hồn ăn uống” nên gặp dịp tết là lúc có nhiều thức ăn ngon và giàu năng lượng chẳng những được trữ sẵn trong nhà mà còn có ở khắp mọi nơi, đi đến đâu cũng được mời mọc nên khó lòng từ chối sự hấp dẫn của thức ăn. Do đó việc tăng cân nhanh chóng chỉ sau vài ngày tết là điều tất yếu.

 

Ngược lại, trẻ gầy thường vốn rất biếng ăn nên sẽ lại càng biếng ăn hơn khi được nhâm nhi vài cái kẹo, mứt tạo cảm giác đầy bụng, làm mất cảm giác thèm ăn nên trẻ sẽ bỏ các bữa ăn chính hoặc chỉ ăn rất ít, trong khi đây lại là những bữa ăn chủ yếu cung cấp năng lượng và dưỡng chất cho trẻ. Do đó, trẻ rất dễ sụt cân sau tết.

 

Để tránh những trường hợp này thì không nên dự trữ nhiều bánh kẹo và nước ngọt trong nhà. Có thể giảm các loại bánh mứt và thay bằng rau câu trái cây ít đường hoặc các loại hạt như hướng dương, hạt dẻ, hạt bí, hạt đậu sấy… để giảm lượng đường đưa vào cơ thể một cách không cần thiết. Sử dụng các loại hạt còn rất tốt cho sức khoẻ vì cung cấp thêm các axit béo thiết yếu. Đơn giản nhất là chiêu đãi cho trẻ và cả nhà bằng các loại trái cây tươi. Món cocktail trái cây tươi ướp lạnh cũng là một món ăn ngon và bổ dưỡng, rất thích hợp trong những ngày tết cho trẻ, cho cả nhà, và nếu dùng để đãi khách thì rất tuyệt. Bưởi, dưa hấu, thanh long, táo, quýt là những trái cây chưng tết rất đẹp mà lại chứa nhiều vitamin tốt cho sức khoẻ. Cam cũng là loại trái cây giàu vitamin có thể để được nhiều ngày mà không cần cho vào tủ lạnh nên có thể mua về để ăn hoặc vắt nước uống thay cho các loại nước ngọt vì vừa ngon, vừa bổ. Không nên cho trẻ béo phì ăn quá nhiều bánh chưng thịt mỡ vì rất giàu năng lượng.

 

Thay vì cho ăn, hãy để trẻ chạy nhảy

 

Ngày tết cũng nên cho trẻ thoải mái một chút, nhưng không nên cho trẻ ăn vặt suốt cả ngày mà chỉ cho ăn có giới hạn và không ăn vặt quá gần bữa chính kế tiếp.

 

Đối với trẻ béo: nên ăn trái cây ít ngọt (thanh long, bưởi, cam…) hơn là bánh kẹo, mứt. Cho trẻ ăn nhiều rau, bớt thịt mỡ. Hạn chế uống nước ngọt. Cần có bữa phụ cho trẻ là trái cây ít ngọt để giảm cảm giác đói và trẻ sẽ không ăn quá nhiều trong bữa chính. Món ăn ngon, nhiều rau mà không cần chế biến nhiều, rất phù hợp trong những bữa tiệc đầu năm của gia đình là bánh tráng cuốn, lẩu thập cẩm, rau tươi trộn dầu giấm (có thể thêm càrốt, bông cải xanh luộc sẽ càng ngon và bổ dưỡng). Thay vì cho trẻ ăn thoả thích trong những ngày tết thì hãy cho trẻ chạy nhảy thoải mái. Nên đưa trẻ đến các khu vui chơi giải trí để trẻ có dịp tiêu hao năng lượng qua các trò chơi vận động. Đi bộ dạo chơi trong công viên cũng giúp trẻ bớt đi được nhiều năng lượng thừa, thay vì ngồi xem tivi suốt ngày.

 

Đối với trẻ gầy: không quá hạn chế đường ngọt nhưng cũng không nên ăn nhiều bánh mứt để tránh tình trạng đầy bụng. Nên cho trẻ ăn các loại sữa chua, phômai, trái cây và các loại hạt nhiều dầu béo (hạt điều, đậu phộng, hạt dẻ, hướng dương…) Đi chơi và vận động vừa phải sẽ giúp trẻ mau đói và thèm ăn nhưng không nên đi chơi quá nhiều vì quá mệt cũng làm trẻ biếng ăn. Nên giữ bữa ăn đều đặn, luôn có bữa phụ giàu năng lượng, tránh ăn vặt thường xuyên.

 

Ngoài ra cũng cần chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm. Nếu các gia đình khéo léo sắp xếp một cách hài hoà giữa ăn uống, vui chơi giải trí và nghỉ ngơi thư giãn cho trẻ thì không những trẻ khoẻ mạnh trong những ngày tết mà còn kéo dài ngay cả sau tết.

 

Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh

Trưởng khoa dinh dưỡng cộng đồng/ SGTT

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ