1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nóng: Tay chân miệng tại Hà Nội vượt mốc 1.000 ca, có trường hợp thở máy

Minh Nhật

(Dân trí) - Từ đầu năm đến nay, miền Bắc ghi nhận 4.888 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 252% so với cùng kỳ năm 2021.

Dịch tay chân miệng tại Hà Nội vượt mốc 1.000 ca

Hiện tại, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang trong giai đoạn cao điểm của dịch tay chân miệng. Theo số liệu của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong tuần 26 khu vực miền Bắc ghi nhận 174 trường hợp mắc tay chân miệng, không có ca tử vong. Lũy tích năm 2022, miền Bắc ghi nhận 4.888 trường hợp mắc tay chân miệng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (1.387), số ca mắc đã tăng 252%.

Nóng: Tay chân miệng tại Hà Nội vượt mốc 1.000 ca, có trường hợp thở máy - 1

Dịch tay chân miệng tại Hà Nội đã vượt mốc 1.000 ca.

Đáng chú ý, tại Hà Nội, số ca tay chân miệng ghi nhận từ đầu năm đến nay đã vượt mốc 1.000 ca. Cụ thể, tính đến 7/7, số ca tay chân miệng cộng dồn của Thủ đô là 1.028 ca, trong đó chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Như vậy, bệnh nhân tay chân miệng của Hà Nội đã tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2021 (191 ca). Trong năm 2022, tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận bệnh nhân tay chân miệng. Chương Mỹ, Đông Anh, Mê Linh hiện là 3 địa bàn đứng đầu về dịch bệnh này, với số ca bệnh ghi nhận trong năm nay lần lượt là 137 ca, 106 ca, 96 ca.

Riêng trong tuần 27 (1 - 7/7), đã có 60 ca tay chân miệng được ghi nhận mới. Trong đó, 3 khu vực ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất là Ba Vì (12 ca), Mê Linh (5 ca), Cầu Giấy (5 ca).

Theo nhận định của ngành y tế Hà Nội, dự báo số ca mắc tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang vào cao điểm mùa dịch.

Nóng: Tay chân miệng tại Hà Nội vượt mốc 1.000 ca, có trường hợp thở máy - 2

Một bệnh nhi mắc tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn.

Ghi nhận thực tế tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, mỗi ngày tiếp nhận 3 - 4 bệnh nhi tay chân miệng phải nhập viện điều trị. Đáng chú ý, giai đoạn cao điểm, có những ngày Khoa phải tiếp nhận đến 7 - 8 bệnh nhi mắc tay chân miệng.

Các bệnh nhi phải nhập viện đều là trường hợp khi khám sàng lọc tại phòng khám có yếu tố chỉ định nhập viện như: sốt cao liên tục khó hạ, có biểu hiện giật mình… Các trường hợp này phải nhập viện để theo dõi biến chứng của bệnh.

Đáng chú ý, có trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng độ 4. Đây là mức độ rất nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Trẻ nhập viện trong tình trạng suy hô hấp phải can thiệp thở máy. 

Với tay chân miệng, hầu hết các trường hợp mắc ở độ 1, tức là không cần phải nhập viện. Bệnh nhi có thể chỉ bị nổi phỏng nước thông thường kèm theo loét họng, sốt nhẹ, một vài ngày đầu bỏ ăn nhưng sau đó sẽ ổn định. Bệnh thường khỏi sau 7 - 10 ngày.

Những trường hợp nhập viện có chẩn đoán từ phân độ 2a trở lên. Do đó, số bệnh nhi đến thăm khám vì tay chân miệng lớn hơn số nhập viện gấp nhiều lần.

Mở cửa trường học có thể là một trong những nguyên nhân khiến tay chân miệng "bùng nổ"

Theo nhận định của chuyên gia, bệnh tay chân miệng lây qua con đường phân - miệng trong các tập thể như: lớp học, nhà trẻ. Việc mở cửa trường học trở lại, cũng như sự tăng cường tiếp xúc sau khi Covid-19 "hạ nhiệt" tạo điều kiện cho tay chân miệng lây lan mạnh.

Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo ngành y tế Hà Nội nhận định: "Ca bệnh tay chân miệng tại Thủ đô mặc dù có tăng nhưng rải rác ở nhiều nơi, không tập trung thành ổ dịch lớn nên nguy cơ tương đối thấp".

Nóng: Tay chân miệng tại Hà Nội vượt mốc 1.000 ca, có trường hợp thở máy - 3

Mở cửa trường học có thể là một trong những nguyên nhân khiến tay chân miệng "bùng nổ" (Ảnh minh họa).

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh thành về việc tăng cường công tác phòng chống dịch tay chân miệng.

Bộ Y tế dự báo dịch tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây. Để hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài; Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh.

Bên cạnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và cúm A cũng đang diễn biến phức tạp trong bối cảnh Covid-19 âm thầm leo thang. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại "dịch chồng dịch" sẽ gây áp lực lên hệ thống y tế.

Phòng ngừa bệnh tay chân miệng thế nào?

Thực hành vệ sinh tốt là cách bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh tay chân miệng. Rửa tay thường xuyên có thể làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm virus gây bệnh này.

Dạy trẻ cách rửa tay bằng nước nóng và xà phòng. Phải luôn rửa tay sạch sau khi sử dụng nhà vệ sinh, trước khi ăn, và sau khi ra nơi công cộng. Cũng cần dạy trẻ không cho tay hoặc các đồ vật khác vào miệng hoặc gần miệng.

Nóng: Tay chân miệng tại Hà Nội vượt mốc 1.000 ca, có trường hợp thở máy - 4

Thực hành vệ sinh tốt là cách bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh tay chân miệng (Ảnh minh họa).

Thường xuyên khử trùng những khu vực chung trong nhà. Có thói quen vệ sinh các bề mặt chung trước tiên bằng xà phòng và nước, sau đó dùng dung dịch thuốc tẩy pha loãng và nước. Bên cạnh đó, phụ huynh nên khử trùng đồ chơi, núm vú giả và các đồ vật khác có thể bị nhiễm virus.