Nội soi có phát hiện được ung thư vòm họng?

Tú Anh

(Dân trí) - Ung thư vòm họng đứng hàng thứ 6 trong các loại ung thư nói chung, với tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao gấp 2 -3 lần so với nữ giới. Khi nội soi họng có thể phát hiện bất thường, khối u ở vùng họng.

Để chẩn đoán ung thư vòm họng, có rất nhiều phương pháp tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định phù hợp.

Nội soi có phát hiện được ung thư vòm họng? - 1

Nội soi: Với thủ thuật này, bác sĩ có thể phát hiện bất thường vùng vòm họng, thấy cả hình dáng, kích thước khối u. Qua thủ thuật nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy  mẫu mô để sinh thiết để xem khối u là lành hay ác tính.

Chụp X-quang: Đây là phương pháp bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân trong trường hợp ung thư đã di căn đến phổi

PET-CT scan: Phương pháp này có thể hỗ trợ xác định hạch cổ, nhưng không khảo sát được các tổn thương vi thể. Tuy nhiên, PET-CT ưu việt hơn cả CT và MRI về phát hiện hạch vùng di căn, cũng như tổn thương di căn xa, hay khối u nguyên phát thứ 2.

CT scan: Cho phép đánh giá khối u vùng đầu cổ nhờ phát hiện sự biến dạng cấu trúc giải phẫu và sự tăng hấp thu thuốc cản quang tại khối u. CT scan có tiêm thuốc cản quang có thể khẳng định mức độ xâm lấn và lan rộng của khối u đến hạch vùng cổ, các cơ quan kế cận và cả các tổn thương di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.

Cộng hưởng từ MRI: MRI có thể khảo sát mô mềm tốt hơn CT scan và thường cung cấp thêm thông tin bổ sung cho CT scan. Nhưng CT scan có thể cung cấp thông tin về xâm lấn xương tốt hơn MRI.

Sinh thiết:  Là phương pháp để chẩn đoán mô học, tìm xem khối u lành hay ác tính.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chỉ một số xét nghiệm liên quan.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu xuất hiện tình trạng đau hoặc chảy máu miệng; đau họng; nuốt khó, nuốt vướng; khàn giọng; ho kéo dài... đừng trì hoãn mà hãy đi khám bệnh. Bởi các dấu hiệu trên có thể chỉ biểu hiện bệnh lý hô hấp thông thường, nhưng cũng có thể là những dấu hiệu cảnh báo ung thư, cần đi khám sớm để được chẩn đoán, điều trị.