Nỗi niềm của bác sĩ cấp cứu khi đối tượng hành hung mình bị khởi tố
(Dân trí) - Bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung, dọa giết khi đang trực cấp cứu ở TPHCM cho biết, bản thân đã chuyển sang cơ sở khác làm việc sau biến cố.
Mới đây, Công an Quận Bình Thạnh (TPHCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can cùng lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú đối với Đào Quốc Bảo (41 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), về tội gây rối trật tự công cộng.
Đào Quốc Bảo là đối tượng gần một năm trước hành hung bác sĩ P.H.Th. (34 tuổi), trưởng ca trực cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM), khi bác sĩ này đang ngồi theo dõi chẩn đoán hình ảnh của bệnh nhân nặng.
Qua điều tra, công an xác định hành vi của Đào Quốc Bảo đã cản trở hoạt động điều trị bệnh nhân của bác sĩ Th. và ca trực khoa Cấp cứu, đồng thời gây ảnh hưởng tâm lý, uy tín của các nhân viên y tế trong đêm 27/7/2022.
Tối 27/7/2022 trong ca trực của mình, bác sĩ P.H.Th. đã tiếp nhận thăm khám ban đầu và giải thích cho người nhà việc bé gái 11 tuổi bị hóc xương cá không phải trường hợp nguy hiểm tính mạng, cần chờ bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng đến xử trí.
Tuy nhiên, người đàn ông là cha bệnh nhân không chấp nhận việc con phải chờ khoảng 30 phút, liên tục chửi mắng, bóp cổ và dọa sẽ đánh chết bác sĩ T. nếu bước ra khỏi bệnh viện.
Nỗi niềm của bác sĩ bị hành hung
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ P.H.Th. chia sẻ, khi biết đối tượng tấn công mình bị khởi tố theo tội danh gây rối trật tự công cộng, anh cảm thấy bất ngờ và chạnh lòng.
Nam bác sĩ tiết lộ, cách đây 2 tháng, anh nhận được thông báo Viện kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh (TPHCM) đã hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can đối với Đào Quốc Bảo về tội Chống người thi hành công vụ.
Sau đó, anh được công an địa phương hướng dẫn làm đơn xin cứu xét bảo vệ ngành y, gửi đến Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan trung ương. Nhờ vậy, vụ việc đến nay đã được xem xét xử lý, với tội danh khởi tố đã điều chỉnh.
Cũng theo bác sĩ Th., khoảng 4 tháng sau khi bị hành hung, anh đã xin nghỉ việc để chuyển sang một hệ thống y tế tư nhân.
Tại nơi làm việc mới, bác sĩ Th. thấy hàng rào bảo vệ nhân viên y tế khoa Cấp cứu tốt hơn. Nếu mâu thuẫn phát sinh, bệnh viện có quy trình cho bệnh nhân, thân nhân phản ánh trực tiếp cách làm việc của y bác sĩ qua đơn thư, đường dây nóng để xử lý ngay lập tức, nên hạn chế được việc "động tay chân".
"Trước đây dù có việc gì xảy ra, tôi cũng cố gắng ưu tiên cứu chữa thật tốt cho bệnh nhân. Nhưng giờ nếu cảm thấy không đủ an toàn, tôi sẽ chủ động rời đi.
Tôi khuyên các đồng nghiệp còn công tác ở hệ thống bệnh viện công, cần chú ý trong cách giao tiếp để không xảy ra mâu thuẫn với bệnh nhân và người nhà. Khi có vấn đề gì xảy ra, hãy bảo vệ bản thân mình trước tiên" - bác sĩ Th. tâm sự.
Hàng loạt bác sĩ cấp cứu xin nghỉ sau vụ việc
Theo nguồn tin của phóng viên, kể từ khi bác sĩ Th. bị hành hung, ít nhất 7 đồng nghiệp của anh ở khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã xin nghỉ (chiếm gần 1/2 số lượng bác sĩ tại đây). Thậm chí, một số người rời đi còn là trưởng tua, có nhiều kinh nghiệm.
Bác sĩ C.T., người có hàng chục năm hành nghề trong lĩnh vực Cấp cứu và nhiều lần rơi vào tình huống nguy hiểm chia sẻ, nếu lãnh đạo bệnh viện bảo vệ được khoa đầu sóng ngọn gió tốt hơn, hành lang pháp lý rõ ràng hơn, nhân viên y tế sẽ ở lại.
Bác sĩ T. dẫn chứng, vào tháng 7/2022 mình cũng bị con một bệnh nhân đang cấp cứu lăng mạ, mang hung khí vào khoa tấn công. Sau đó, công an cũng vào cuộc, nhưng đối tượng không bị xử lý, vì không đủ căn cứ. Sau đó, nhiều bác sĩ, điều dưỡng cùng khoa anh đã nghỉ việc, chuyển sang bệnh viện tư.
Bác sĩ T. mong pháp luật có chính sách bảo vệ ngành y triệt để hơn, để khi nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ bị hành hung cần được coi là chống người thi hành công vụ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, sau sự việc bác sĩ P.H.Th. bị hành hung khi đang thực hiện nhiệm vụ, Ban Giám đốc nơi này đã tiến hành các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, như tăng cường lực lượng bảo vệ túc trực ở khoa Cấp cứu, rà soát lại quy trình Phản ứng nhanh sự cố an ninh trật tự (Code Grey).
Về vấn đề nhiều bác sĩ đã nghỉ việc trong thời gian qua, đại diện Bệnh viện cho rằng, tại khoa Cấp cứu, việc luân chuyển nhân viên y tế thường xuyên là điều bình thường, khi đây là lĩnh vực có đặc thù áp lực cao, kén người lựa chọn gắn bó.
Khi có y bác sĩ nghỉ việc, bệnh viện sẽ lập tức bổ sung ngay. Hiện tại, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định có hơn 70 nhân viên y tế, đảm bảo nhân lực phục vụ chăm sóc bệnh nhân.
Hành hung bác sĩ sẽ là "chống người thi hành công vụ"
Dự án luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) sửa đổi đang được Quốc hội xem xét ban hành (thay thế luật năm 2009) đã bổ sung một số quy định về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở KCB. Trong đó, có nội dung xử lý nghiêm việc hành hung bác sĩ.
Cụ thể, dự án luật KCB mới có thêm quy định: Người có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở KCB bị coi là hành vi chống người thi hành công vụ.
Người vi phạm quy định trên ngoài bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật, còn phải xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại nơi người đó cư trú, làm việc hoặc tại cơ sở KCB nơi người đó có hành vi xâm phạm tinh thần, sức khỏe, tính mạng của thầy thuốc, người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở KCB.