Những thủ phạm giấu mặt gây gan nhiễm mỡ

Minh Nhật

(Dân trí) - Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ trong gan dư thừa quá nhiều, gây ảnh hưởng đến chức năng của gan. Bệnh lý này được xem là lành tính nhưng nếu không điều trị sớm, bệnh sẽ biến chứng thành xơ gan.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, phần lớn bệnh nhân đều phát hiện bệnh gan nhiễm mỡ một cách tình cờ, thậm chí có nhiều người lúc đã chuyển qua giai đoạn nặng mới bắt đầu đi chữa trị. Nguyên nhân là do căn bệnh này không có dấu hiệu và triệu chứng cụ thể nên người bệnh thường chủ quan, không để ý đến diễn biến tình trạng của cơ thể.

Những thủ phạm giấu mặt gây gan nhiễm mỡ - 1

Một trong những hiểu nhầm phổ biến đó là nhiều người thường ngộ nhận rằng nguyên nhân duy nhất của bệnh gan nhiễm mỡ là do dư thừa chất béo trong cơ thể gây ra. Tuy nhiên, đây chỉ mới là một phần lý do dẫn đến căn bệnh của cuộc sống hiện đại này. Trong đó, những "thủ phạm" không ngờ khác có thể kể đến như:

Yếu tố di truyền: Sự tương tác của nhiều biến thể gen khác nhau có thể gây gan nhiễm mỡ. Đặc biệt, một biến thể di truyền được gọi là PNPLA3 I148M có liên quan đến sự phát triển của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu mà không có biểu hiện của bệnh béo phì, tiểu đường, rối loạn lipid máu hoặc kháng insulin.

Tuy nhiên không có nghĩa khi cơ thể chứa gen gây bệnh thì nhất định mắc bệnh. Ví dụ, biến thể gen PNPLA3 I148M sẽ chỉ dẫn đến sự tiến triển của bệnh khi kết hợp với lạm dụng rượu, chế độ ăn uống không lành mạnh, tiêu thụ nhiều đường fructose, không hoạt động hoặc nhiễm virus.

Đây thực chất cũng là lời giải thích tại sao bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có xu hướng phát hiện trong các nhóm thành viên gia đình. 

Tăng mỡ trong máu: Gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ đều là hệ quả của sự rối loạn chuyển hóa, do đó 2 hiện tượng này được coi như là "đôi bạn đồng hành" thường xuất hiện cùng nhau. Giải thích một cách cụ thể hơn thì gan là nơi tiếp nhận và chuyển hóa lipid trong máu, nếu hàm lượng mỡ trong máu quá cao sẽ dễ khiến gan làm việc quá tải và chậm trễ trong việc loại bỏ mỡ dư thừa ra khỏi cơ thể.

Rượu bia:  Sử dụng đồ uống có cồn khiến enzym trong gan phải hoạt động với cường độ mạnh để nhanh chóng phân hủy và loại bỏ độc tố từ chất cồn ra khỏi cơ thể. Khi bạn uống rượu bia nhiều hơn mức mà gan có thể xử lý tốt, những thành phần bị gan bỏ sót sẽ tồn đọng lại bên trong cơ thể và khiến gan tổn thương. Điều này ban đầu sẽ làm tăng chất béo trong gan của bạn, sau đó theo thời gian, nó có thể dẫn đến viêm và tích tụ các mô sẹo.

Giảm cân quá mức: Cơ thể bị "bỏ đói" nhiều ngày sẽ bị giảm lượng đường cần thiết trong máu, buộc cơ thể phải phân giải mỡ để cung cấp năng lượng. Việc mỡ phân giải nhiều làm tăng lượng acid béo trong máu khiến gan tích mỡ.

Thiếu chất dinh dưỡng: Chế độ ăn uống nghèo nàn thiếu những chất có vai trò chuyển hóa chất béo như protein, vitamin, muối vô cơ… khiến mỡ xấu tích tụ lại ở hầu hết các cơ quan nội tạng, nhiều nhất là gan.

Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc đặc trị các bệnh mạn tính như rối loạn nhịp tim, rối loạn lưỡng cực, đau nửa đầu… có thể gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp protein và chuyển hóa của lipoprotein khiến gan bị nhiễm mỡ.