Những thói quen của người Việt khiến tế bào gan bị phá hủy nhanh chóng
(Dân trí) - Khi lá gan bị tấn công liên tục, dồn dập bởi các tác nhân gây hại thì khả năng phục hồi sẽ rất kém. Khi tổn thương trên 75% sẽ gây suy gan, ứ mật và có thể dẫn đến ung thư gan.
Tất cả các độc chất vào cơ thể phải được khử độc, và chỉ có một con đường duy nhất là chuyển hóa ở gan. Vì vậy, có thể nói gan là cơ quan gánh hết tất cả các độc chất của cơ thể. Nhiều thói quen sinh hoạt phản khoa học của người Việt, được xem là thủ phạm chính khiến gan bị nhiễm độc.
Trước hết phải kể đến thói quen lạm dụng rượu bia. Theo các chuyên gia, khi uống rượu bia, chất cồn được hấp thụ nhanh chóng vào máu qua niêm mạc dạ dày và ruột. Chỉ 10% lượng cồn đào thải qua đường mồ hôi, hơi thở, nước tiểu; còn 90% còn lại đi thẳng qua gan. Với chức năng thải độc cơ thể, gan là cơ quan chịu nhiều tổn thương nhất do tác hại của rượu bia. Thực tế, đồ uống có cồn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương cho gan.
Điều tra nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm năm 2015 cho thấy, 44% người uống rượu bia ở Việt Nam uống quá độ, đây là hình thức uống rượu nguy hiểm. Một người Việt trưởng thành tiêu thụ 8,3 lít cồn (tương đương 470 chai bia) trong một năm. 48% thanh niên từ 14 - 17 tuổi cũng uống rượu bia.
Gan đóng một vai trò rất lớn trong việc xử lý thuốc tân dược. Cách sử dụng thuốc phản khoa học như: tự mua thuốc điều trị mà không qua thăm khám, lạm dụng thuốc, uống thuốc sai cách… là thực trạng phổ biến ở Việt Nam. Đây cũng là thói quen khiến các tế bào gan phải đối mặt với nguy cơ bị tổn thương.
Lấy ví dụ, paracetamol (acetaminophen) được sử dụng rộng rãi với tác dụng giảm đau, hạ sốt. Nhiều người cho rằng paracetamol khá an toàn do ít tác dụng không mong muốn hơn so với các thuốc cùng tác dụng. Tuy nhiên, paracetamol được ghi nhận là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh suy gan do thuốc. Khi sử dụng quá 4g/ ngày, nguồn glutathion do gan sản xuất bị cạn kiệt, nên N-acetyl-pbenzoquinoneImine (NAPQI - sản phẩm chuyển hóa của paracetamol) không được khử độc, chúng ứ đọng lại và gây tổn thương tế bào gan, giải phóng lượng lớn các men gan ra huyết tương. Các thuốc khác độc với gan được biết đến là Isoniazid, Rifampicin, coxtrimoxazol (sulfamethoxazol và trimethoprim), các thuốc chống động kinh (phenyltoin).
Aflatoxin thường có trong các thực phẩm mốc, là loại độc tố vi nấm được sản sinh tự nhiên do một số loài Aspergillus (một loại nấm mốc). Aflatoxin hoạt động rất bền bỉ với nhiệt, chúng gây hại cho sức khỏe cả khi thực phẩm đã được nấu chín trong nhiệt độ cao.
Nhiều người có sở thích sử dụng đồ hộp, thức ăn chế biến sẵn được đóng gói nhưng không để ý thời gian sử dụng. Khi có nhu cầu dùng đến thì thức ăn đã quá hạn, bỏ thì tiếc nên vẫn cố gắng chế biến lại. Hoặc với các loại thực phẩm bị mốc, nhiều người chủ quan cho rằng chỉ cần gạn bỏ phần quan sát thấy nấm mốc và sử dụng phần còn lại. Tuy nhiên, việc này chỉ làm trôi đi lớp nấm mốc bên ngoài. Trong khi đó, hệ thống sợi nấm rất lớn vẫn còn lại đã ăn sâu vào bên trong, đồng thời chất độc cũng đã được sản sinh và tích tụ, đây đều là những thứ mà ta không thể quan sát bằng mắt thường.
Nếu chẳng may ăn phải các loại thực phẩm này, dù chỉ với một liều lượng rất nhỏ, Aflatoxin cũng đã có thể gây ngộ độc cấp tính cho các cơ quan nội tạng. Khi xâm nhập vào gan sẽ dẫn tới viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan.