Những kỹ thuật cao trong phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống

(Dân trí) - Tại Việt Nam, những kỹ thuật cao trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống được cập nhật các phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới. Sự làm chủ các kỹ thuật khó đã giúp hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống thoát khỏi nỗi đau thường trực.

 

Những kỹ thuật cao trong phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống - 1

Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, Viện trưởng viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống (BV Việt Đức), cho biết, các kỹ thuật cao dưới đây đã được làm thuần thục, thường quy, giúp thay đổi cuộc sống của hàng nghìn người bệnh.

Điều trị bảo tồn đĩa đệm bằng sóng radio:

Đây là phương pháp duy nhất để bảo tồn đĩa đệm trong ngoại khoa được áp dụng thành công lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2007, do BV Việt Đức thực hiện. Trước khi Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tiến hành phương pháp này, thế giới cũng mới áp dụng thành công được khoảng 2 năm. Kỹ thuật này được thực hiện nhanh chóng nhưng có tỷ lệ thành công rất cao, cột sống cổ > 90% và cột sống thắt lưng > 70%.

“Ưu điểm nổi bật của kỹ thuật phẫu thuật thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio đó là bệnh nhân được gây tê tại chỗ, không mất máu. Đáng nói là thời gian phẫu thuật chỉ khoảng 20 phút và hầu như không gây biến chứng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được ra viện trong ngày, thay vì phải nằm viện 3 đến 4 ngày như trước đây và không cần phải chăm sóc đặc biệt sau phẫu thuật”, BS Thạch cho biết.

Trước đây, để điều trị, người ta có thể dùng các phương pháp như mổ mở, mổ lazer… Tuy vẫn đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn, nhưng các phương pháp này lại có nhược điểm như thời gian mổ lâu, vết thương mở có thể gây nhiễm trùng, biến chứng, khâu chăm sóc hậu phẫu kéo dài… Đặc biệt, các phương pháp mổ trước đây đều tách hoặc phá huỷ phần đĩa đệm đã thoát vị, gây ảnh hưởng đến độ bền vững của cột sống.

Với phương pháp phẫu thuật bằng sóng radio, các bác sĩ đã sử dụng thiết bị kỹ thuật tiếp cận qua da mà không cần phải mổ như trước đây. Các bác sỹ sẽ đưa sóng radio vào phần đĩa đệm bị thoát vị của bệnh nhân chỉ thông qua một mũi kim. Ở nhiệt độ từ 40 - 70oC, sóng radio sẽ làm thay đổi điện tích trong đĩa đệm, giúp cho đĩa đệm tiết dịch trở lại làm tăng áp lực, giúp cho nhân đĩa đệm (phần bị lệch) trở lại được vị trí ban đầu.

Mổ nội soi thoát vị đĩa đệm:

Với những bệnh nhân thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn nặng hơn, không thể được điều trị bằng sóng cao tần, các bác sĩ có thể áp dụng phương pháp mổ nội soi để lấy đĩa đệm.

“Điều đặc biệt của phương pháp nội soi này, đó là ngay sau cuộc mổ kết thúc, cả thầy thuốc và BV có thể đi ăn phở”, TS Thạch tếu táo.

Căn bệnh thoát vị đĩa đệm khiến người bệnh rất đau đớn một bên chân, hoặc đau cả hai chân, bệnh nhân có khi không đi được. Đôi khi sau một tác động mạnh như hắt xì hơi, ho mạnh bệnh nhân cứng người không thể đi được nữa. Trước đây để điều trị bác sĩ phải mổ mở, người bệnh gây mê toàn thân hoặc gây tê cục bộ nên khi bác sĩ can thiệp, có chạm vào dây thần kinh cả bác sĩ, người bệnh đều không biết. Chỉ đến khi xong cuộc mổ, bệnh nhân bị biến chứng liệt mới biết ca mổ để lại di chứng. Đặc biệt với mổ mở sẽ phá hủy toàn bộ cấu trúc cột sống, cơ xương nên cột sống bị ảnh hưởng, tái phát nhanh chóng.

Còn với phẫu thuật nội soi, bệnh nhân được gây tê tại chỗ và tỉnh hoàn toàn để cùng bác sĩ kiểm soát hoàn toàn ca mổ. Chỉ cần chạm vào dây thần kinh, người bệnh đau sẽ nói ngay với bác sĩ nên giảm được nguy cơ biến chứng.

Từ năm 2008 đến nay BV Việt Đức đã thực hiện khoảng 500 ca mổ nội soi và cho thấy nhiều ưu điểm nổi trội. Bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, kiểm soát được ca mổ, sau ca mổ đi lại luôn, thời gian nằm viện ngắn, hạn chế biến chứng (không chảy máu) do vết mổ nhỏ 1cm vừa ống nong bằng ngón tay út, gây tê tại chỗ, cho nong vào đúng chỗ thoát vị. Nhờ vậy cấu trúc cột sống không bị tác động, phá hủy nhiều nên khả năng tái phát ít.

Lấy thoát vị ít xâm lấn:

Lấy thoát vị ít xâm lấn cũng là một phương pháp phẫu thuật tiến bộ trên thế giới. Thay bằng mổ mở quan sát mắt thường, nay nhờ công nghệ mới với ống nong có đèn chiếu sáng (đường kính 1,5cm) bác sĩ dễ dàng đặt ống nong vào chỗ thoát vị để lấy thoát vị ra. Phương pháp này được áp dụng cho những bệnh nhân không thể can thiệp được bằng nội soi. Công dụng của phương pháp này cũng tương tự nội soi bởi qua ống nong đường kính nhỏ nên cấu trúc cột sống ít bị tổn thương, ít bị phá hủy nên không gây ảnh hưởng đến cột sống.

Thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ:

Trước đây ở bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ giai đoạn muộn không thể tiến hành các phương pháp trên, người ta can thiệp bằng cách bỏ đĩa đệm bị hỏng rồi thay thế bằng miếng ghép đĩa đệm (hoặc mảnh xương) rồi đóng cứng lại, hàn hai đốt sống lại với nhau. Do vậy cử động của người bệnh bị hạn chế và có nguy cơ làm hỏng các đĩa đệm liền kề nhanh hơn.

Nhưng với phương pháp thay đĩa đệm nhân tạo, người bệnh vẫn có thể thực hiện các động tác linh hoạt thông thường như với đĩa đệm bình thường. Sau thay đĩa đệm nhân tạo người bệnh vẫn có thể cúi, ưỡn, xoay nghiêng trái, nghiêng phải. Phương pháp này lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam là vào năm 2009 do các bác sĩ BV Việt Đức thực hiện. Đến nay kỹ thuật này đã ứng dụng, điều trị thành công cho hàng trăm người bệnh.

Cố định cột sống bằng rô bốt:

Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á và nước thứ 2 khu vực châu Á (sau Nhật Bản) áp dụng thành công kỹ thuật này. Phẫu thuật cố định cột sống bằng rô bốt được ứng dụng để chữa trị cho những trường hợp nặng gây trượt đốt sống, thoái hóa hỏng đĩa đệm.

Đặc biệt, các kỹ thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống tiên tiến này còn được BV Việt Đức chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới. Hiện nay nhiều bệnh viện tuyến dưới tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương, Quảng Ninh, Điện Biên, Lào Cai… đều thực hiện được nhiều kỹ thuật can thiệp đĩa đệm, cột sống khó. Nhờ vậy giúp người bệnh tiếp cận với kỹ thuật điều trị cao ngay tại địa phương, giảm chi phí cho người bệnh và giảm quá tải tuyến trên. Không những chuyển giao kỹ thuật thành công cho bệnh viện trong nước, mà nhiều bác sĩ đến từ các quốc gia Đông Nam Á như Philiphin, Indonesia… cũng sang Việt Nam học hỏi để ứng dụng các kỹ thuật điều trị đĩa đệm, cột sống.

Hồng Hải