Vừa dứt ca mổ, thầy thuốc, bệnh nhân có thể “dắt” nhau đi ăn sáng

(Dân trí) - Chỉ những ai bị căn bệnh thoát vị đĩa đệm mới hiểu nỗi đau đớn muốn “chết đi sống lại”, đau đến mức phải xây chòi ngoài đồng để những tiếng kêu rên không làm ảnh hưởng đến hàng xóm; và hạnh phúc là thế nào khi được điều trị khỏi nhờ ứng dụng kỹ thuật cao của PGS.TS Nguyễn Văn Thạch.

Và đề tài Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật cao trong phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống do Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, Viện trưởng viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống bệnh viện hữu nghị Việt Đức làm chủ đã giành Giải Nhất Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực Y dược năm 2015.

Những lời “đồn thổi” chết người về phẫu thuật cột sống

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Thạch, thoát vị đĩa đệm là bệnh lý khá phổ biến của người Việt Nam. Thoát vị đĩa đệm là sự dịch chuyển nhân nhày ra khỏi vị trí bình thường gây nên sự chèn ép các thành phần lân cận (tủy sống, các rễ thần kinh…) khiến người bệnh bị đau và hạn chế vận động vùng bị chèn ép các rễ thần kinh tương ứng.

Những cơn đau do thoát vị đĩa đệm gây ra khiến người bệnh mất ăn, mất ngủ không thể hòa nhập được với cuộc sống. TS Thạch nhớ mãi ca bệnh là người đàn ông trung niên hơn 40 tuổi ở Hưng Yên. Năm 2005, khi bệnh nhân này đến với TS Thạch, anh xác định phải bước lên bàn mổ lần thứ 6. Trước đó, bệnh nhân được mổ 1 lần ở nước ngoài và 4 lần mổ trong nước nhưng sự can thiệp của y khoa chưa lúc nào giúp nỗi đau dịu xuống. Bệnh nhân đau đến mức không thể ở căn nhà trong làng bởi đã cắn môi đến bật máu để kìm chế cơn đau, nhưng cơn đau vẫn bật ra thành những tiếng rên rỉ ngày đêm, ảnh hưởng đến cả cuộc sống của làng xóm. Hai vợ chồng người bệnh phải xây một căn chòi ngoài đồng, chuyển ra đó sống những tháng ngày đau đớn tưởng không có lối thoát.

Sau khi được TS Thạch can thiệp phẫu thuật, cố định cột sống, lần đầu tiên đứng vững, tự đi lại sau nhiều năm dài đằng đẵng chịu đau đớn, người đàn ông ấy đã bật khóc vì sung sướng. Người bệnh thực sự có một cuộc sống mới thoát khỏi nỗi đau thường trực.


PGS.TS Nguyễn Văn Thạch kiểm tra tình hình sức khoẻ bệnh nhân trước ca mổ

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch kiểm tra tình hình sức khoẻ bệnh nhân trước ca mổ

Theo TS Thạch, những người chịu đựng nỗi đau cột sống, thoát vị như bệnh nhân này là rất nhiều. Bởi trước đây, bị thoát vị đĩa đệm người bệnh ngại đến cơ sở y tế mà thường điều trị “lang vườn”, ngại động vào mổ xẻ vì những lời đồn thổi mổ cột sống tỷ lệ thành công là 50 - 50.

“Thậm chí đến giờ, có những bác sĩ không thuộc lĩnh vực cột sống vẫn tư vấn người bệnh như vậy khiến bệnh nhân rất lo lắng. Thực tế, bệnh lý thoát vị đĩa đệm đa phần là khỏi bằng điều  trị nội khoa và phục hồi chức năng nếu điều trị sớm ở đoạn 1 - 2. Nhưng vì hiểu sai, nghĩ bệnh cột sống không khỏi được, họ chữa bệnh cầm chừng, sống cùng với những nỗi đau âm ỉ. Trong khi đó, các kỹ thuật mổ cột sống tiên tiến đã chứng minh chữa khỏi thoát vị đĩa đệm cho người bệnh. Các kỹ thuật này giúp giảm bớt nhiều tai biến, biến chứng của phẫu thuật. Các biến chứng  thông thường như chảy máu, nhiễm trùng, biến chứng tai biến phẫu thuật (nặng nhất có thể liệt hoàn toàn) ngày càng ít đi bởi kỹ thuật phẫu thuật ngày càng hiện đại, ít xâm lấn.

Dứt ca mổ, người bệnh có thể đi ăn sáng!

Trăn trở trước những băn khoăn, lo lắng của người bệnh đến mức cắn răng chịu đau đớn (bởi thời điểm cách đây gần 10 năm, các phẫu thuật cột sống còn rất hạn chế) TS Thạch là người tiên phong đi học ở nước ngoài, tổ chức các lớp học trong nước do chuyên gia nước ngoài trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, thực hiện ngay trên bệnh nhân. Nhờ thế, Việt Nam là một trong các quốc gia trong khu vực áp dụng sớm nhất các kỹ thuật mổ cột sống, thoát vị đĩa đệm tiên tiến.

Các kỹ thuật hiện đại phải kể đến như Điều trị bảo tồn đĩa đệm bằng sóng cao tần; Lấy nhân thoát vị ít xâm lấn; Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm bằng nội soi; Thay đĩa đệm nhân tạo; Cố định cột sống bằng phẫu thuật rô bốt… đều được thực hiện thường quy tại khoa Phẫu thuật cột sống (BV Việt Đức). Các bác sĩ Việt Nam không chỉ làm chủ kỹ thuật này mà khi ứng dụng vào Việt Nam còn có thêm nhiều sự sáng tạo giúp hiệu quả của phương pháp đạt cao hơn.

Ví như khi can thiệp vùng đốt sống L5S1 các tác giả nước ngoài khi áp dụng phương pháp sóng cao tần chỉ chọc thành công với tỷ lệ 7/1000 bởi đây là một vị trí chọc thấp, khó. Nhưng với bác sĩ Việt Nam, điều này lại không mấy khó khăn bởi bác sĩ Việt được tổng hợp các kỹ năng, biết cả về phẫu thuật nội soi nên có thể ứng dụng kỹ thuật nội soi giúp việc can thiệp vùng đốt sống khó này hiệu quả. Nhờ vậy người bệnh không phải chuyển mổ phương pháp khác tốn kém hơn, bệnh nhân không phải trải qua cuộc mổ phức tạp hơn.

Hay như trước đây, để chữa thoát vị đĩa đệm phải mổ mở thì nay hoàn toàn có thể can thiệp bằng sóng cao tần, mổ nội soi hoặc phẫu thuật ít xâm lấn (Can thiệp tối thiểu). Với mổ mở, người bệnh gây mê toàn thân hoặc gây tê cục bộ nên khi bác sĩ can thiệp, có chạm vào dây thần kinh cả bác sĩ, người bệnh đều không biết. Chỉ đến khi xong cuộc mổ, bệnh nhân bị biến chứng liệt mới biết ca mổ để lại di chứng.

Còn với mổ nội soi lấy khối thoát vị, bệnh nhân được gây tê tại chỗ và tỉnh hoàn toàn, không ngủ để cùng bác sĩ kiểm soát hoàn toàn ca mổ. Chỉ cần chạm vào dây thần kinh, người bệnh đau sẽ nói ngay với bác sĩ nên giảm được nguy cơ biến chứng. Đặc biệt, sau phẫu thuật nội soi, tình trạng người bệnh thay đổi hoàn toàn trạng thái. Từ chỗ người bệnh đau, đến mức chỉ sau một cái hắt hơi, ho mạnh là cứng người không thể đi lại, thì sau phẫu thuật, vừa xuống khỏi bàn mổ bệnh nhân có thể cùng bác sĩ ra khỏi phòng, cùng nhau đi ăn sáng.


PGS.TS Nguyễn Văn Thạch đã chuyển giao nhiều kỹ thuật khó cho các đồng nghiệp

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch đã chuyển giao nhiều kỹ thuật khó cho các đồng nghiệp

Đặc biệt, các kỹ thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống tiên tiến này còn được BV Việt Đức chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới. Hiện nay nhiều bệnh viện tuyến dưới tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương, Quảng Ninh, Điện Biên, Lào Cai… đều thực hiện được nhiều kỹ thuật can thiệp đĩa đệm, cột sống khó. Nhờ vậy giúp người bệnh tiếp cận với kỹ thuật điều trị cao ngay tại địa phương, giảm chi phí cho người bệnh và giảm quá tải tuyến trên. Không những chuyển giao kỹ thuật thành công cho bệnh viện trong nước, mà nhiều bác sĩ đến từ các quốc gia Đông Nam Á như Philiphin, Indonexia… cũng sang Việt Nam học hỏi để ứng dụng các kỹ thuật điều trị đĩa đệm, cột sống.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm