Nhiều trường hợp phát hiện ung thư vú khi tình cờ đi khám sàng lọc miễn phí

Tú Anh

(Dân trí) - Người phụ nữ 58 tuổi ở Hà Nội không có dấu hiệu gì của ung thư vú, nhưng được con đăng kí khám miễn, khi đến viện khám, bác sĩ phát hiện khối u vú phải kích thước 1,5cm.

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về trường hợp người phụ nữ phát hiện ung thư vú khi tình cờ đi khám sàng lọc tại bệnh viện.

Nhiều trường hợp phát hiện ung thư vú khi tình cờ đi khám sàng lọc miễn phí - 1

Hình ảnh X-quang vú cho thấy khối vú phải, kích thước 1,5x1,1 cm, bờ tua gai, BIRAD 5 (mũi tên) và hạch nách phải.

Trong khuôn khổ chương trình "Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu" do Bộ Y tế, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư tổ chức khám miễn phí ung thư vú cho chị em phụ nữ, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành triển khai khám sàng lọc ung thư vú cho 400 phụ nữ trên 40 tuổi.

Qua đó, phát hiện 3 trường hợp ác tính, một trường hợp nghi ngờ cần làm xét nghiệm thêm và nhiều trường hợp u vú lành tính.

Trường hợp ung thư vú đầu tiên là bệnh nhân nữ Trịnh Thu H. (58 tuổi, Hà Nội). Bệnh nhân được  Bác được con đưa đến khám sàng lọc thông qua kênh đăng ký khám online.

Bác không có dấu hiệu gì bất thường tại vú nhưng qua thăm khám lâm sàng bác sĩ phát hiện khối u vú phải kích thước 1,5cm, mật độ chắc, di động, ranh giới không rõ, không có thâm nhiễm ngoài da, hạch nách không sờ thấy. Người bệnh được chỉ định siêu âm vú, chụp X-quang tuyến vú và chọc hút tế bào khối u vú phải. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị ung thư biểu mô vú.

Trường hợp thứ 2 là chị Nguyễn Thị T. (48 tuổi, Hưng Yên). Người nhà tình cờ biết được chương trình khám sàng lọc ung thư vú và đưa đi khám. Chị không có dấu hiệu gì đặc biệt tại vú. Sau khi thăm khám bác sĩ phát hiện có u tại vú trái kích thước 2cm, mật độ chắc, ranh giới không rõ ràng, không có thâm nhiễm ngoài da, hạch nách không sờ thấy. Người bệnh được siêu âm vú, chụp X-quang tuyến vú và chọc hút tế bào khối u vú trái cho thấy có tế bào bất thường, khuyến nghị sinh thiết u vú để xác định.

Trường hợp thứ 3 là chị Trần Thanh H. (44 tuổi, Hà Nội). Chị đăng kí khám chương trình sàng lọc miễn phí ung thư vú qua Fanpage Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu. Chị không có dấu hiệu gì đặc biệt tại vú. Sau khi thăm khám bác sĩ phát hiện có u tại vú phải, kích thước 2cm, mật độ chắc, ranh giới không rõ, không có thâm nhiễm ngoài da, hạch nách không sờ thấy. Người bệnh được siêu âm vú, chụp X-quang tuyến vú và chọc hút tế bào khối u vú phải, cho thấy có tế bào bất thường, khuyến nghị sinh thiết u vú để xác định.

Trường hợp thứ 4 là chị Phạm Thị Hồng Nh. (49 tuổi, Nam Định). Khi đăng kí khám, chị không có dấu hiệu gì đặc biệt tại vú. Sau khi thăm khám bác sĩ phát hiện bất thường tại vú phải.

Kết quả X-quang vú thấy hình ảnh nốt vú phải, kích thước 0,6x0,5cm, bờ và ranh giới không rõ, BIRADS 4A. Kết quả tế bào học cho thấy hình ảnh tế bào không điển hình. Khuyến nghị sinh thiết u vú để xác định.

Ung thư vú và ung thư cổ tử cung là hai loại ung thư phổ biến gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Theo tổ chức ghi nhận ung thư thế giới (GLOBOCAN 2018) tại Việt Nam ung thư vú đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc ở nữ giới với 15.229 ca (chiếm 20,6%) và đứng thứ 4 về tỷ lệ tử vong với 6.113 ca (chiếm 13,87%). Ung thư cổ tử cung đứng thứ 7 về tỷ lệ mắc mới ở nữ giới với 4.177 ca (chiếm 5,65%) và đứng thứ 7 về tỷ lệ tử vong với 2.420 ca (chiếm 5,50%).

PGS Phạm Cẩm Phương cho biết, chương trình khám hàng năm đều được thực hiện miễn phí cho chị em phụ nữ có đăng kí trước. BS Phương khuyến cáo chị em cần tự khám vú mỗi tháng, thực hiện tầm soát ung thư vú tại bệnh viện khi ngoài 40 tuổi để phát hiện sớm nguy cơ ung thư.

Những trường hợp phát hiện sớm từ khi chưa có triệu chứng, điều trị hiệu quả, mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho người bệnh.