Mẹ mắc ung thư vú, con gái có nguy cơ không?

Hồng Hải

(Dân trí) - Nhiều người nói ung thư vú có yếu tố di truyền. Tôi 35 tuổi, có mẹ mắc ung thư vú, vậy tôi có nguy cơ không và cần kiểm soát nguy cơ này như thế nào? (An Nguyên, Hải Phòng).

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ung thư vú là loại bệnh phổ biến ở phụ nữ. Tuy nhiên, ngày nay có rất nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị, ung thư nói chung, trong đó ung thư vú nói riêng không còn là cửa tử. Bệnh ung thư được chữa khỏi ở giai đoạn sớm, trong trường hợp phát hiện muộn hơn, các phương pháp điều trị vẫn cho phép kéo dài thời gian sống, tăng chất lượng sống.

Mẹ mắc ung thư vú, con gái có nguy cơ không? - 1

Với ung thư vú, đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra căn nguyên gây ra ung thư ở mỗi người. Tuy nhiên có thể thấy nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. "Cần nhấn mạnh rằng, không phải cứ có yếu tố nguy cơ là 100% mắc bệnh, mà người ta nhận thấy ở những người có yếu tố nguy cơ, tỉ lệ mắc bệnh cao hơn người không có các yếu tố này", PGS Phạm Cẩm Phương nhấn mạnh.

Trong các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú, người ta hay nhắc đến yếu tố di truyền, đột biến gen.

Các nghiên cứu thấy người mang đột gen nguy cơ cao mắc bệnh nhiều hơn người khác. Ung thư vú có tính chất gia đình. Đó là lý do khi đi khám bệnh, bác sĩ thường hỏi trong gia đình, có mẹ, bà, dì, chị ruột... mắc ung thư vú hay không.

Nhưng cần nói rõ lại, không phải có người trong gia đình mắc bệnh là bị ung thư vú, vì thế không nên quá lo lắng khi trong gia đình có người mắc ung thư vú. Những trường hợp này nên đến bác sĩ để được hướng dẫn tầm soát, theo dõi định kỳ, có lời khuyên về tư vấn di truyền.

Ngoài yếu tố gia đình, ung thư vú còn có yếu tố về tuổi tác. Thường phụ nữ ngoài 40 có nguy cơ cao hơn người trẻ, nên được khuyến khích tầm soát, sàng lọc ung thư vú.

Những trường hợp béo phì, lười vận động cũng là yếu tố cho thấy làm gia tăng nguy cơ ung thư vú. Ngoài ra, các trường hợp sử dụng thuốc nội tiết, dậy thì sớm trước 12 tuổi, hoặc mãn kinh muộn là yếu tố nguy cơ.

Ung thư vú là bệnh dễ phát hiện, tiên lượng điều trị tốt, nhất là ở giai đoạn sớm. Vì thế, mọi chị em nên tự sàng lọc khám vú mỗi tháng. Qua tuổi 40, cần thực hiện khám sàng lọc tại bệnh viện, với phương pháp đơn giản là siêu âm vú, chụp X-quang vú.

Những người có yếu tố nguy cơ thì được khuyến khích đến bệnh viện sàng lọc sớm hơn.