1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi lây lan ra các địa phương

(Dân trí) - Cục Thú y cho biết, một số người chưa nhận thức được tính chất nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi, cũng như vì lợi ích kinh tế trước mắt nên khi có lợn bệnh, lợn chết đã mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng.

Chiều nay (14/3), Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp bàn giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lây lan. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì với sự có mặt của lãnh đạo 17 tỉnh, thành phố có xuất hiện DTLCP.

Nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi lây lan ra các địa phương - 1
Quang cảnh cuộc họp.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, dự báo đêm nay miền Bắc sẽ chịu tác động của gió mùa, mưa phùn nên càng thuận lợi cho chủng vi rút DTLCP phát triển. Do đó, các địa phương cần chỉnh sửa phương án đối phó, vì lúc này đã lan ra 17 tỉnh, thành phố. Dịch này chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu thời gian tới mà không quyết liệt phòng, chống sẽ rất nguy hiểm, đe dọa cả ngành chăn nuôi lợn.

Nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi lây lan ra các địa phương - 2

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cương phát biểu khai mạc cuộc họp.

Tiếp đến, ông Phạm Xuân Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ ngày 1/2-14/3/2019 (cập nhật đến 9h), dịch bệnh đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An), với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con.

Cũng theo ông Đông, kết quả bước đầu điều tra, xác định nguyên nhân chính dẫn đến bệnh DTLCP xuất hiện tại các tỉnh, thành phố, cơ bản là do: Một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, cũng như vì lợi ích kinh tế trước mắt nên khi có lợn bệnh, lợn chết đã mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng.

Nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi lây lan ra các địa phương - 3

Ông Phạm Xuân Đông - Cục trưởng Cục Thú y thông tin về tình hình DTLCP.

Vi rút DTLCP có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi; trong khi đó, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Vi rút DTLCP có thể có thể lây lan từ khu vực có dịch sang nơi khác qua phương tiện vận chuyển và con người. Ví dụ tại tỉnh Sơn La: Dịch xảy ra tại khu vực gần với đường đi qua khu vực Pha đin nơi có điểm tắm lợn.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Thanh Hóa đồng ý với báo cáo của Cục Thú y về nhận định nguyên nhân lây lan DTLCP, nhưng kiến nghị cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu vì có những nơi của Thanh Hóa vẫn xuất hiện DTLCP mà không nằm trong nguyên nhân mà ông Đông nêu ở trên.

Nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi lây lan ra các địa phương - 4

Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại cuộc họp.

"Hiện nay với mức hỗ trợ 80% giá thị trường đối với những hộ có lợn bị tiêu hủy do nhiễm DTLCP, nhưng giá thịt lợn đang xuống rất thấp nên người dân đang thiệt thòi. Bộ NN&PTNT cần có biện pháp để người chăn nuôi không thiệt thòi" - ông Quyền nói.

Còn ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ NN&PTNT, Cục Thú y cần có biện pháp hỗ trợ các biện pháp cụ thể để người dân nắm rõ hơn công tác phòng, chống DTLCP cho đạt hiệu quả vì dịch bệnh này chưa có vắc xin phòng bệnh.

Nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi lây lan ra các địa phương - 5

Ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ người dân các thức phòng, chống DTLCP cụ thể hơn nữa.

Cũng giống như ông Quyền, bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn băn khoăn, tỉnh này là tỉnh miền núi, giao thương không tấp nập như ở đồng bằng nhưng vẫn xuất hiện DTLCP, vì vậy đề nghị Cục Thú y cần nghiên cứu thêm các nguyên nhân khác nữa.

Nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi lây lan ra các địa phương - 6

Bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu thêm các nguyên nhân khiến DTLCP lây lan diện rộng.

Các địa phương phát biểu đến đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Cục Thú y cần nghiên cứu lại các nguyên nhân cho đầy đủ để từ đó tìm ra phương án phòng, chống DTLCP hiệu quả hơn.

Một nội dung mà các địa phương cùng kiến nghị Bộ NN&PTNT cần phối hợp tuyên truyền để người dân hiểu đúng về DTLCP, không quay lưng lại với sản phẩm thịt lợn an toàn.

Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Một con lợn nhiễm DTLCP ở Bắc Kạn cũng biết, con lợn nào nhiễm bệnh đều được tiêu hủy. Đặc biệt, dịch bệnh này không lây sang người, nên người dân hoàn toàn yên tâm sử dụng sản phẩm thịt lợn an toàn trên thị trường".

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm