Nguy cơ bùng phát dịch cúm lây từ gia cầm sang người
Chỉ 1 ngày sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa chính thức công bố dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện tại TX.Ninh Hòa, đã có thêm 1 bệnh nhân cư trú trong vùng dịch nhập viện trong tình trạng sốt cao và suy hô hấp nặng.
Rất đáng lo, bởi lẽ theo chu kỳ 5 năm tái phát dịch cúm gia cầm (kể từ 2009) ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Khánh Hòa vẫn là tỉnh đầu tiên xác định có trường hợp tử vong do cúm A/H1N1.
Nguy cơ cao
Theo công bố của Cục Thú y, tính đến chiều ngày 16/2, cả nước đã có 10 tỉnh chính thức thông báo dịch cúm H5N1 đang lây lan và hủy diệt đàn gia cầm. Riêng tại Khánh Hòa, dịch cúm gia cầm tái xuất hiện trên địa bàn TP Nha Trang, Cam Ranh và TX Ninh Hòa, là những đô thị đầu mối giao thương, tập trung nhiều khách vãng lai, đó là chưa kể mỗi ngày thường xuyên có hàng trăm khách du lịch đến từ Trung Quốc - nơi đang bị dịch cúm H7N9 hoành hành - nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Điều đó giải thích vì sao số bệnh nhân mắc cúm tăng vào những ngày đầu năm, trong đó có chùm 4 ca nhiễm cúm A/H1N1 cùng sống trong 1 gia đình (1 trường hợp đã tử vong). Báo động nguy cơ dịch bùng phát với quy mô lớn hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn, bởi lẽ ở các huyện Cam Lâm, Diên Khánh cũng đã có gia cầm chết hàng loạt.
Chiều 16/2, khoa truyền nhiễm bệnh viện tỉnh Khánh Hòa cho biết, bệnh N.T.Đ - 47 tuổi, ở xã Ninh Ích (Ninh Hòa) nhập viện lúc 12h4 trưa 15/2, các triệu chứng lâm sàng cho thấy, nhiều khả năng đây là bệnh nhân thứ 8 mắc cúm A đã và đang điều trị cách ly tại khoa.
Tất cả các trường hợp nghi mắc cúm đều được cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm theo quy định. Nhờ tập trung điều trị tích cực, tính đến chiều chủ nhật (16.2), thể trạng của hầu hết bệnh nhân mắc cúm đã phục hồi khá ổn định, duy nhất trường hợp B.B.T.X (18 tuổi), chuyển viện từ Khánh Sơn, vẫn còn phải thở máy.
Theo TS Viên Quang Mai, PGĐ Viện Pasteur Nha Trang, kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, với sự hiện diện đáng kể số lượng H5N1 trên lông chim sẻ, chứa đựng các hạt virus truyền bệnh được xem như bằng chứng khẳng định chim phóng sinh là nguy cơ gây lây nhiễm virus cúm cho con người ở những vùng có tổ chức nghi lễ phóng sinh trong thời gian dịch cúm gia cầm đang lưu hành.
Một trong những nguyên nhân làm cho dịch cúm gia cầm tái phát còn có việc con giống sạch bị thả nổi. Tại Quảng Nam, nhiều nơi nông dân mua được con giống theo giới thiệu là của Trung tâm giống Đại Xuyên - Hà Nội, nhưng thực chất không phải vậy.
Được biết, mặc dù từ Chính phủ cho đến địa phương đều có những quy định rất ngặt nghèo về điều kiện ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thủy cầm, nhưng con giống đưa ra thị trường gần như không ai quản lý. Đó cũng được coi là nguyên nhân khiến dịch cúm gia cầm xảy ra dai dẳng qua nhiều năm qua, gây tốn kém cho người dân và xã hội.
Theo nông dân Nguyễn Đức Trung ở xã Duy Phước huyện Duy Xuyên, thì hầu hết nông dân ở đây đều nuôi giống vịt Đại Xuyên, con giống được mua thông qua một chủ đại lý ở cùng xã.
Tuy nhiên, đó có phải là con giống do chính nhà sản xuất cung cấp hay không, thì họ hoàn toàn không biết, và cũng không có bất cứ giấy tờ gì về nguồn gốc xuất xứ hay kiểm dịch. Chính quyền xã và cơ quan thú y cũng chẳng hỏi han gì, nên mọi người cứ thế thả nuôi mà không phải báo cáo hay tiêm phòng bệnh.
Ông Lê Muộn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam, thừa nhận: “Quả thật là việc quản lý, kiểm soát ngành chăn nuôi gia cầm cũng như phòng dịch của cơ quan thú y, chính quyền địa phương thời gian qua đã không đảm bảo các quy định, chỉ trông chờ vào ý thức tự giác của người chăn nuôi”.
Khoanh vùng dập dịch
Chiều ngày 16/2, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên cho biết, kết quả lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn vịt của hộ ông Huỳnh Tấn Thành và ông Nguyễn Hà cùng ở thôn Thạch Tuân 2, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, đã có ba mẫu dương tính với cúm A/H5N1, với hơn 1.000 con chết.
Tại các xã Xuân Phước và Xuân Quang 3, huyện miền núi Đồng Xuân cũng đã xảy ra tình trạng gia cầm của nhiều hộ chết hàng loạt. UBND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định tiêu hủy hơn 2.000 con vịt mắc bệnh cúm H5N1.
Hiện Phú Yên có hơn 3,48 triệu con gia cầm (chủ yếu là vịt chạy đồng), ngoài các biện pháp bao vây dịch, địa phương đang tích cực kiểm soát, ngăn chặn lây lan. Cùng ngày, toàn bộ 7.000 con gia cầm xung quanh khu vực có dịch đã được tiêm phòng theo quy định.
Hiện lực lượng thú y chốt chặt khu vực có dịch, nghiêm cấm gia cầm ra, vào vùng dịch. Công tác tiêu độc, khử trùng được tiến hành khẩn cấp. 100 lít thuốc khử trùng đã được huy động. Lực lượng thú y hiên nay vẫn tiến hành lấy mẫu giám sát dịch thường xuyên. Đến chiều ngày 16/2, trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn chưa phát sinh thêm điểm dịch mới.
Còn theo ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định, đến hết ngày 16/2, công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã tăng cường đồng loạt các biện pháp giám sát dịch. Tới chiều ngày 16/2, toàn bộ số gia cầm mắc dịch đã được tiêu hủy theo đúng quy trình.
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai chỉ đạo: Địa phương nào giấu dịch thì bí thư, chủ tịch phải chịu trách nhiệm. Để ngăn chặn nguy cơ lây truyền virus cúm H5N1, H7N9 vào nội địa, Ban chỉ đạo 127 của tỉnh Lào Cai và UBND các cấp đã lập ba tuyến ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia cầm, nội tạng động vật, trứng gia cầm trái phép...
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đến nay, VN chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên cả gia cầm và người. Nhưng từ đầu năm đến nay đã có 2 ca cúm A/H5N1 ở Bình Phước, Đồng Tháp và đều tử vong. Trong khi đó, dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm, nhập lậu gia cầm từ biên giới phía bắc cũng đang diễn biến phức tạp. Bộ Y tế yêu cầu các trung tâm kiểm dịch y tế biên giới tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm ở Việt nam. Các viện vệ sinh dịch tễ và Pasteur sẵn sàng tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán virus cúm A/H7N9 trên người. Các bệnh viện đã chuẩn bị thuốc men, trang thiết bị, phòng cách ly sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9.
Theo Q.D
Lao động