Người phụ nữ ở TPHCM bất ngờ nguy kịch sau khi truyền thuốc tại bệnh viện

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sau hơn 1 giờ được bác sĩ chỉ định truyền một loại kháng sinh, người phụ nữ ở TPHCM bất ngờ nôn ói kèm tiêu chảy, ngứa, đỏ da toàn thân, khó thở, huyết áp tụt và lâm dần vào nguy kịch.

Tối 19/8, chị N.H.T. (43 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) nhập viện trong tình trạng cơ thể bị sốt cao, lạnh run, ho khạc đờm, đau đầu nhiều, ăn uống kém.

Trước đó, chị T. có dùng thuốc điều trị tại nhà nhưng không thuyên giảm. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi, không ghi nhận tình trạng dị ứng nào trước đây.

Hơn 20h cùng ngày, bệnh nhân được bác sĩ tại bệnh viện chỉ định truyền kháng sinh ceftriaxone pha loãng với nước muối sinh lý. Đây là loại kháng sinh phổ rộng, thường được dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.

Nhưng khoảng hơn 1 giờ sau đó, bệnh nhân bất ngờ có biểu hiện nôn ói kèm tiêu chảy, cơ thể khó chịu, bứt rứt, ngứa, đỏ da toàn thân, khó thở, huyết áp tụt.

Thấy bệnh nhân có biểu hiện lạ, người nhà nhanh chóng báo bác sĩ. Ngay lập tức, ekip chuyên khoa Nội - Hô hấp và đội ngũ khoa Cấp cứu - Hồi sức có mặt tại giường bệnh, phối hợp cấp cứu, xử trí để giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch tính mạng.

Người phụ nữ ở TPHCM bất ngờ nguy kịch sau khi truyền thuốc tại bệnh viện - 1

Ảnh chụp CT scan của bệnh nhân T. ngày 21/8 (Ảnh: BV).

Nhờ can thiệp kịp thời, sau 2 ngày điều trị, theo dõi tại khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, người phụ nữ tỉnh táo, tình trạng sức khỏe dần ổn định.

Bệnh nhân được kết luận chẩn đoán bị sốc phản vệ độ 3 (tình trạng đe dọa tính mạng nghiêm trọng) trên nền viêm phổi - viêm đa xoang - lao phổi cũ, nghĩ nhiều do thuốc kháng sinh ceftriaxone.

Cũng trong ngày 19/8, một người đàn ông 36 tuổi, ngụ TPHCM phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng cơ thể bị choáng phản vệ do thuốc tân dược.

Theo lời người nhà kể lại, anh T. bị bệnh cảm nên nhờ người thân mua thuốc về uống. Sau 1 giờ dùng thuốc, anh T. có biểu hiện ngứa ngáy, bứt rứt cơ thể, nôn ói, tiêu chảy. Phát hiện bất thường, người nhà đã nhanh chóng đưa anh đến bệnh viện gần nhất xử trí.

Qua hội chẩn, các bác sĩ khoa Cấp cứu - Hồi sức đã kết luận bệnh nhân bị sốc phản vệ độ 3, nghi do thuốc tân dược và tiến hành xử trí theo đúng phác đồ sốc phản vệ.

Người phụ nữ ở TPHCM bất ngờ nguy kịch sau khi truyền thuốc tại bệnh viện - 2

Bệnh nhân bị sốc phản vệ độ 3 qua cơn nguy kịch nhờ phát hiện, điều trị kịp thời (Ảnh: BV).

Sau 1 ngày điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo và được chuyển đến khoa Nội tổng hợp để tiếp tục theo dõi. Nam bệnh nhân xuất viện ngày 23/8 trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Bác sĩ Trần Kim Kha, chuyên khoa Nội - Hô hấp cho biết, sốc phản vệ là một phản ứng không phù hợp hoặc quá mức của cơ thể với một chất (ngay cả khi chất đó vô hại), như dị ứng với thức ăn, dị ứng thuốc điều trị, các loại côn trùng chích, đốt...

Các phản ứng phản vệ có thể biểu hiện nhẹ hoặc nặng, từ tụt huyết áp đến co thắt khí - phế quản, gây khó thở, tím tái, thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Các bác sĩ khuyến cáo, người có tiền sử từng bị sốc phản vệ nên thông báo cho người thân, người chung nhà biết tình trạng của bản thân. Đồng thời, luôn giữ thẻ ghi tình trạng dị ứng và thuốc adrenaline bên mình để kịp thời xử lý, đưa đi bệnh viện sớm nếu chẳng may rơi vào tình trạng phản vệ nặng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm