Người phụ nữ bị chửa trứng sau đình chỉ thai

Hà An

(Dân trí) - Một tháng sau khi đình chỉ thai, chị Ly (Thạch Thất, Hà Nội) vẫn thấy bị ra máu âm đạo. Đi khám, chị được chẩn đoán bị thai trứng bán phần.

BSCKI Hà Bích Vân, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội Cơ sở 2 cho biết bệnh nhân được chỉ định hút buồng tử cung và xét nghiệm giải phẫu bệnh. Đồng thời, sẽ phải tiếp tục theo dõi và điều trị trong những tháng tiếp theo để tránh nguy cơ ung thư nguyên bào nuôi.

Rau thai có nhiệm vụ nuôi dưỡng bào thai trong thời kỳ thai nghén. Khi rau thai sản sinh quá mức, phát triển thành khối không kiểm soát được sẽ tạo thành các nang trông như các quả trứng hoặc chùm nho nên được gọi là chửa trứng.

Theo bác sĩ có 2 loại chửa trứng là toàn phần và bán phần. Trong đó, chửa trứng bán phần bao gồm tổ chức thai hoặc một phần thai, phôi thai bất thường, màng ối, thai có thể còn sống hoặc đã chết và các gai rau bệnh lý. Chửa trứng toàn phần bao gồm toàn bộ các gai rau bệnh lý.

Người phụ nữ bị chửa trứng sau đình chỉ thai - 1

Trong khoảng 20% trường hợp, thai trứng chuyển biến thành ung thư ác tính (Ảnh minh họa: Northway Clinic).

Bệnh lý này nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như băng huyết, nhiễm trùng nhiễm độc, suy kiệt và ung thư nguyên bào nuôi và di căn ung thư phổi, não, gan…

Khoảng 80% các trường hợp sau khi hút thai sẽ diễn tiến tốt. Trong khoảng 20% trường hợp còn lại, thai trứng chuyển biến thành ung thư ác tính và nhanh chóng di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, tỉ lệ tử vong rất cao.

Bệnh nhân sẽ được lấy khối trứng ra ngoài tử cung bằng cách nong nạo hay hút nạo. Nếu thai trứng xâm lấn làm thủng tử cung, bác sĩ chọn giải pháp phẫu thuật cắt tử cung toàn phần ở các phụ nữ không muốn có con nữa hoặc trên 40 tuổi. Sau đó, người bệnh được xét nghiệm định lượng beta hCG 2 tuần/lần trong 3 tháng đầu rồi 6 tháng/lần cho đến hết 12 tháng. 

Bác sĩ lưu ý chị em tuyệt đối tránh thai trong vòng 18 tháng sau hút nạo. Thời điểm an toàn để sinh em bé là sau ít nhất 24 tháng.

Một điều may mắn là tình trạng này không ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục có thai, ngay cả khi người bệnh đã trải qua hóa trị. Nó cũng không làm tăng nguy cơ thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, sinh non, hoặc các biến chứng khác. Tỉ lệ mắc thai trứng lần nữa chỉ 1-2%. 

Chị em phụ nữ nên lưu ý lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp, hiệu quả tránh để tình trạng có bầu ngoài ý muốn.

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai, phổ biến là đặt dụng cụ tử cung, bao cao su, triệt sản nam và nữ, thuốc tránh thai gồm loại hàng ngày  và viên uống khẩn cấp, thuốc tiêm và que cấy đều có tác dụng ngăn ngừa sự thụ tinh.

Trước khi áp dụng một biện pháp cụ thể, chị em nên đến cơ sở y tế, các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình để khám sức khỏe và được tư vấn về các biện pháp tránh thai phù hợp với sức khỏe, công việc và hoàn cảnh gia đình. 

* Tên nhân vật đã được thay đổi. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm