Người mắc ung thư gan được điều trị như thế nào?
(Dân trí) - Ung thư gan nguyên phát là bệnh lý ác tính của gan xảy ra khi tế bào bình thường của gan trở nên bất thường về hình thái và chức năng.
Các tế bào ung thư phát triển gây ảnh hưởng đến mô bình thường liền kề và có thể lây lan sang các vùng khác của gan cũng như các cơ quan bên ngoài gan.
Tại Việt Nam, gần 20 năm qua, ung thư gan cũng gia tăng rất nhanh. Năm 2000, chỉ có 5.700 ca ung thư mới mắc, tăng lên 9.400 ca năm 2010, đến năm 2018, ung thư gan mới mắc ở hai giới là 25.335 ca, trong đó nam giới chiếm 19.500 ca.
Ung thư gan đã và đang được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau tùy vào tình trạng bệnh và khả năng tài chính của bệnh nhân. Ở những bệnh nhân được phát hiện, điều trị sớm khi phần gan lành còn tốt thì phương án cổ điển, khả thi nhất là thực hiện mổ cắt phần gan bệnh, lấy trọn khối bướu sau đó tiến hành xạ trị, hóa trị sẽ mang lại nhiều cơ hội bình phục.
Nhóm bệnh nhân phát hiện bệnh trễ, gan đã bị xơ hóa, điều trị không thể phục hồi thì giải pháp phẫu thuật cắt gan toàn phần và ghép gan sẽ tăng thêm cơ hội sống cho người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi phải có nguồn gan tương thích được hiến tặng. Bên cạnh đó, việc phẫu thuật cắt gan, lấy gan hiến, ghép gan, hậu phẫu, sử dụng thuốc chống thải ghép… chi phí tốn kém nên người bệnh cần phải có năng lực tài chính tốt.
Ngoài ra, còn nhiều giải pháp khác trong ứng dụng điều trị ung thư gan như phá hủy bướu bằng sóng radio cao tần, phẫu thuật đông lạnh, xạ trị, hóa trị, nút TOCE tắc mạch và thuốc sorafenib, tiêm cồn dưới da hoặc liệu pháp nhắm trúng đích dành cho những bệnh nhân giai đoạn muộn khi ung thư gan không còn cắt được.