Người đàn ông 10 năm mắc căn bệnh cứ hắt hơi là ruột lại "đi lạc"

Hoàng Lê

(Dân trí) - 10 năm qua, mỗi khi đứng lâu, làm việc nặng, hắt hơi là người đàn ông lại thấy vùng bìu phồng lên một khối bất thường. Nhưng khi bệnh nhân nằm, khối này lại biến mất.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Trúc, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện ở TPHCM cho biết, ông cùng các cộng sự vừa phẫu thuật cứu một trường hợp bệnh nhân gặp tình trạng ruột non "đi lạc" xuống bìu.

Cứ ho, hắt hơi là ruột lại "đi lạc" xuống bìu

Bệnh nhân là ông N.X.Q. (73 tuổi, ngụ TPHCM), nhập viện trong tình trạng có một khối phồng rất lớn từ bẹn xuống bìu phải, ấn vào thấy mềm. Khối phồng khiến kích thước bìu phải lớn gấp 3-4 lần bìu trái, đường kính khoảng 10cm.

Theo bệnh nhân, tình trạng này đã có từ 10 năm trước. Thời điểm ban đầu, khối thoát vị còn nhỏ, chỉ xuất hiện khi đứng lâu, làm việc nặng, ho, hắt hơi. Khi ông nằm, khối này lại biến mất. Theo thời gian, bìu phải của ông càng phồng lớn.

6 tháng gần đây, khối phồng bị giữ cố định, không còn xẹp xuống ngay cả khi nằm, khiến bệnh nhân cảm thấy đau, nặng nề, đi lại vướng víu, khó chịu, dễ bị sốc hông.

Người đàn ông 10 năm mắc căn bệnh cứ hắt hơi là ruột lại đi lạc - 1

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh (Ảnh: BV).

Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị thoát vị bẹn. Đây là tình trạng các nội tạng trong bụng chui qua một điểm yếu trên thành bụng, đi qua ống bẹn (ống tự nhiên ở vùng bẹn chứa các thừng tinh ở nam giới), đi xuống bìu và khiến bìu phồng to bất thường.

Bác sĩ Trúc giải thích, khi đứng lâu, làm việc nặng, hắt hơi…, áp lực sinh ra trong ổ bụng đẩy nội tạng xuống dưới, hình thành khối thoát vị.

Lúc nằm, áp lực trong bụng giảm xuống kéo nội tạng trở lại bụng, làm khối thoát vị xẹp xuống. Tuy nhiên, khi càng có nhiều nội tạng "rớt" xuống bìu sẽ dẫn đến mắc kẹt, không thể quay trở lại bụng nữa.

Ông Q. được chỉ định phẫu thuật để đưa nội tạng "đi lạc" về đúng vị trí. Ekip điều trị thực hiện đường mổ khoảng 6cm trên mu bên phải, bóc tách cẩn thận, đưa phần ruột non từ bìu trở lại bên trong bụng. Đoạn ruột non lạc chỗ ước tính dài khoảng 60cm.

Sau đó, ekip đặt một tấm lưới nhân tạo kích thước 12x8cm nhằm che lỗ bẹn, ngăn tái phát thoát vị bẹn trong tương lai.

90% ca thoát vị bẹn là nam giới

Bác sĩ Trúc cho biết, ước tính mỗi năm, có khoảng 20 triệu ca phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn được tiến hành trên thế giới. Trong đó, 90% trường hợp là nam giới.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc thoát vị bẹn là người lớn tuổi (do thành bụng suy yếu bởi quá trình lão hóa); người thừa cân - béo phì; người mắc bệnh ho mạn tính; người thường xuyên mang vác, nâng vật nặng; người phải rặn nhiều do táo bón… Ngoài ra, thoát vị bẹn có tính di truyền, khi những ai có tiền sử gia đình bị thoát vị bẹn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 4 lần so với người bình thường.

Người đàn ông 10 năm mắc căn bệnh cứ hắt hơi là ruột lại đi lạc - 2

Tình trạng thoát vị bẹn (Ảnh minh họa: BV).

Dấu hiệu dễ nhận ra nhất của thoát vị bẹn là việc xuất hiện khối phồng bất thường ở vùng bẹn hay bìu. Khối này tăng kích thước khi đứng lâu, ho, hắt hơi hoặc rặn và thường biến mất khi nằm. Người bệnh cảm thấy đau tức, nặng nề, khó chịu ở vùng bẹn và bìu, nhất là khi vận động mạnh, cúi người xuống, mang vật nặng…

Thoát vị bẹn được phân thành hai dạng, là trực tiếp (xảy ra khi nội tạng xuyên qua điểm yếu của thành bụng, phồng lên tại vùng bụng) hoặc gián tiếp (hay thoát vị bẩm sinh, khi nội tạng đi theo ống bẹn xuống bìu).

Cũng theo bác sĩ, phần lớn trường hợp thoát vị bẹn nhỏ chỉ gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nhưng nếu khối thoát vị quá lớn như của ông Q., bệnh nhân sẽ có nguy cơ gây tắc ruột, giảm lưu lượng máu nuôi, dẫn đến hoại tử, nguy cơ đe dọa tính mạng.

Ngoài ra, những trường hợp ruột "đi lạc" xuống bìu sẽ làm tăng nhiệt độ bìu, có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo nam giới có biểu hiện thoát vị bẹn cần đến bệnh viện khám sớm để có phương án theo dõi hoặc điều trị phù hợp. Nếu để lâu, khối thoát vị lớn hơn sẽ có nguy cơ phát sinh biến chứng nguy hiểm.