1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chàng trai 25 tuổi không dám yêu ai vì tình trạng lạ ở vùng kín

Biên Thùy

(Dân trí) - Phát hiện tình trạng lạ ở vùng kín nhiều năm, chàng trai rất tự ti, không dám có người yêu vì sợ đối phương kỳ thị, chê mình không phải đàn ông đích thực.

Anh B. (25 tuổi, ngụ TPHCM) từ nhỏ đã không sờ thấy tinh hoàn bên phải. Khi đi khám và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh (như siêu âm bìu, chụp MRI bụng chậu) anh được chẩn đoán bất sản tinh hoàn phải - một tình trạng bất thường rất hiếm gặp ở vùng kín.

Chàng trai chia sẻ, suốt thời gian dài sống trong cảnh chỉ có một bên tinh hoàn, anh rất tự ti vì sự "bất toàn" của chính mình.

Chàng trai 25 tuổi không dám yêu ai vì tình trạng lạ ở vùng kín - 1

Việc chỉ có một bên tinh hoàn khiến chàng trai rất tự ti trong cuộc sống (Ảnh minh họa: BV).

"Nhiều khi đối mặt với người mình thích, tôi rất muốn tỏ tình và tiến tới tình yêu. Nhưng nỗi ám ảnh chỉ có một tinh hoàn, sợ người yêu sẽ kỳ thị, chê mình không phải đàn ông đích thực và bỏ mình sau này, nên tôi không dám yêu", anh B. tâm sự.

Hai năm trở lại đây khi bắt đầu có điều kiện kinh tế, anh B. đi nhiều bệnh viện để tìm cách cứu chữa. Nhưng các kết quả chẩn đoán hình ảnh đều không tìm thấy tinh hoàn phải.

Gần đây, chàng trai tiếp tục đến một bệnh viện ở TPHCM cầu cứu. Sau khi khai thác bệnh sử và thăm khám, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Trà Anh Duy tư vấn bệnh nhân phẫu thuật thám sát để đánh giá chắc chắn có thực sự bất sản tinh hoàn một bên hay không.

Chàng trai 25 tuổi không dám yêu ai vì tình trạng lạ ở vùng kín - 2

Các bác sĩ phẫu thuật đặt tinh hoàn nhân tạo cho bệnh nhân (Ảnh: BS).

Kết quả cho thấy, anh B. có thừng tinh, mào tinh hoàn bên phải nhưng lại không có tinh hoàn. Lúc này, ekip phẫu thuật quyết định đặt tinh hoàn nhân tạo theo nguyện vọng của bệnh nhân. Việc này vừa giúp phục hồi thẩm mỹ, mang lại hình dáng tự nhiên cho bìu, vừa có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tâm lý, giảm bớt sự tự ti của người bệnh.

Ngoài ra, dù không thể sản xuất tinh trùng, tinh hoàn nhân tạo vẫn giúp duy trì một số chức năng sinh dục, như cảm giác và hoạt động tình dục, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Sau phẫu thuật, anh B. tự tin trở lại, cảm thấy mình đã là phái mạnh trọn vẹn, tự tin hơn trong chuyện tình yêu.

Bác sĩ Duy cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến nam giới không đủ 2 bên tinh hoàn, như tinh hoàn ẩn, chấn thương, xoắn tinh hoàn hoại tử phải cắt bỏ, ung thư…. Tuy nhiên, anh B. là trường hợp bất sản tinh hoàn một bên (unilateral testis agenesis) hiếm gặp, y văn chỉ báo cáo một số trường hợp nhỏ lẻ.

Đây là một dạng dị tật bẩm sinh chưa rõ nguyên nhân, liên quan đến quá trình phát triển tinh hoàn và ống Wolf (có chức năng biệt hóa thành các thành phần của cơ quan sinh dục nam) trong thời kỳ phôi thai của bé trai. Trong khi đó, tinh hoàn còn lại vẫn phát triển bình thường.

Trên thế giới, việc đặt tinh hoàn nhân tạo được thực hiện khá phổ biến. Vật liệu nhân tạo có dạng hình bầu dục, trong suốt, vỏ bằng silicon, được bơm nước muối sinh lý bên trong. Tùy vào kích thước tinh hoàn đối bên và thể trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn kích thước tinh hoàn nhân tạo phù hợp, cân đối và thẩm mỹ.

Đặc biệt, sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt. Tuy nhiên, cần được thực hiện tại những trung tâm chuyên sâu về Nam khoa, với cơ sở vật chất hiện đại và đảm bảo điều kiện vô trùng, đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao.