Ngoài chả lụa, 3 cháu bé ở TPHCM đã ăn gì trước khi ngộ độc botulinum?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Gia đình 3 cháu bé đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cung cấp cho phóng viên Dân trí danh sách những món các bệnh nhân đã ăn, trước khi phát hiện ngộ độc botulinum.

Liên quan đến các chùm ca ngộ độc botulinum mà TPHCM ghi nhận gần đây, ngày 26/5, bé N.V.H. (14 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), một trong 3 anh em ruột ngộ độc botulinum đã hồi phục hoàn toàn sức cơ tứ chi, hết sụp mi, tự thở và ăn uống được, sau hơn một tuần điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Đây cũng là bệnh nhi được truyền 1/2 lọ thuốc BAT, do Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ phía Quảng Nam chuyển khẩn về TPHCM trong đêm 15/5.

Ngoài chả lụa, 3 cháu bé ở TPHCM đã ăn gì trước khi ngộ độc botulinum? - 1

Bé N.V.H. trước giờ xuất viện (Ảnh: Hoàng Lê).

Không phải lần đầu ăn chả lụa bán dạo

Chiều cùng ngày, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với bé H. và gia đình, trong thời gian các y bác sĩ hoàn tất thủ tục cho bệnh nhi xuất viện.

Theo quan sát của phóng viên, bé H. hiện đã có thể cử động tay chân nhưng chưa linh hoạt hoàn toàn, mắt cũng chưa thể mở hết. Dù vậy, bé nhận thức, giao tiếp và trả lời rõ ràng với người hỏi chuyện.

Bé trai nhớ lại, ngày 13/5, người dượng có mang 5 ổ bánh mì và một cây chả lụa (giò lụa) mua từ người bán dạo về nhà để các cháu ăn sáng. Trong đó, bé gái N.T.X. (10 tuổi, em út bé H.) là người trực tiếp cắt cây chả còn bọc kín, chia chả thành từng miếng nhỏ và kẹp vào 4 ổ bánh mì.

Sau đó, bé gái ăn một ổ, còn hai người anh lớn mỗi người ăn 1,5 ổ bánh mì chả lụa. Ngoài ra, người cô của 3 cháu bé cũng có ăn một vài miếng chả.

Ngoài chả lụa, 3 cháu bé ở TPHCM đã ăn gì trước khi ngộ độc botulinum? - 2

Tay chân của bé H. vẫn chưa di chuyển linh hoạt hoàn toàn (Ảnh: Hoàng Lê).

Trong ngày, cả 4 người đều không có biểu hiện gì. Nhưng sang ngày 14/3 (tức 1 ngày sau ăn), 3 cháu bé bắt đầu sưng mắt, đi không vững. Trong khi đó, người cô cũng bị nôn ói, tiêu chảy, được gia đình ra tiệm mua thuốc uống và may mắn thuyên giảm, không phải đi bệnh viện.

"Ổ bánh mì của Đ. ăn kẹp chả lụa nhiều nhất, nên em Đ. nặng nhất, từ lúc nhập viện tới giờ đều hôn mê. Còn bé X. lúc đầu tỉnh nhưng sau đó phải vào nằm hồi sức, giờ cũng đỡ nhiều rồi. Mấy tuần trước, nhà con đã ăn chả lụa này một lần nhưng không ai bị gì. Sau sự việc lần này, con sợ ăn chả lụa lắm" - bé H. nói.

Ngồi cạnh cậu bé trong thời điểm sắp được rời viện, chị Vân (38 tuổi, tên đã thay đổi, chị họ bé H.) tiếc nuối chia sẻ, nếu sáng 13/5 chị không có việc đi ra ngoài và phát hiện chả lụa có vấn đề, các bé có lẽ đã không bị ngộ độc.

Ngoài chả lụa, 3 cháu bé ở TPHCM đã ăn gì trước khi ngộ độc botulinum? - 3

Bé trai cho biết, gia đình từng ăn chả lụa bán dạo vài tuần trước nhưng không bị gì (Ảnh: Hoàng Lê).

Tiết lộ các món bệnh nhân ăn trước khi ngộ độc botulinum

Theo lời chị Vân, thời điểm bé X. còn khỏe có thuật lại với chị, rằng cây chả lụa mà bé trực tiếp ăn có biểu hiện bất thường, như lá chuối có màu xanh đen, khi cắt ra lại có mùi và bị mềm nhũn, chảy nước. Tuy nhiên vì thấy chả còn nóng (do mới đem từ trời nắng vào) nên bé không nghi ngờ gì, vẫn cắt ra để mọi người cùng ăn.

Đến ngày 14/3 khi các em họ xuất hiện triệu chứng lạ, chị Vân đưa các bé đi phòng khám tư, mua thuốc về điều trị, nhưng cứ uống vào là ói ra hết. Sau đó, chị tiếp tục đưa 3 đứa trẻ đến một bệnh viện trên địa bàn TP Thủ Đức, nhưng nơi này làm xét nghiệm mà không chẩn đoán ra bệnh.

Ít giờ sau, bé Đ. được gia đình đưa lên Bệnh viện Nhi đồng 2, sau đó đến lượt các bé H. và X. cũng nhập viện.

Ngoài chả lụa, 3 cháu bé ở TPHCM đã ăn gì trước khi ngộ độc botulinum? - 4

Bé X. phát hiện nhiều bất thường khi cắt cây chả lụa để ăn bánh mì (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Chị Vân tiết lộ, ngoài bánh mì chả lụa, trong ngày 13/5 các bé còn ăn nhiều thực phẩm khác.

Cụ thể, sau khi ăn sáng với món trên, đến 11h các bé dùng cơm với món trứng chiên cà chua, canh khổ qua nấu với xương và khô chiên. Buổi chiều, các bé có ăn món xiên nướng, thịt bò, mực và tôm nướng. Tối cùng ngày, các bé có uống một loại sữa bột.

Dù vậy theo chị Vân, các bữa trưa và chiều của các bé có nhiều người dùng chung. Riêng bữa ăn xiên nướng và hải sản có đến 7 thành viên trong gia đình cùng ăn, nhưng 4 trẻ khác hoàn toàn bình thường.

Do đó, dù cơ quan chức năng công bố kết quả xét nghiệm các mẫu chả lụa âm tính với botulinum, gia đình vẫn nghi ngờ chả lụa là nguyên nhân khiến các trẻ bị ngộ độc.

Ngoài chả lụa, 3 cháu bé ở TPHCM đã ăn gì trước khi ngộ độc botulinum? - 5

Chị H. khuyến cáo mọi người hạn chế ăn những thực phẩm không có nhãn mác, nguồn gốc (Ảnh: Hoàng Lê).

Sau biến cố đã xảy ra với người thân, chị Vân khuyến cáo mọi người đừng ăn các thực phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc và hạn sử dụng, đặc biệt là đã có biểu hiện hỏng vì vừa không đảm bảo an toàn, lỡ chẳng may xảy ra chuyện sẽ không có ai nhận trách nhiệm.

"Trong lúc điều trị, có thời điểm bác sĩ báo bé Đ. rất nặng, có thể xảy ra tình huống xấu nhất, tôi sợ lắm. Đây là bài học đắt giá cho gia đình tôi" - chị họ 3 bệnh nhân chia sẻ.

Từ ngày 13/5, TPHCM ghi nhận 6 người (đều ngụ TP Thủ Đức) xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc botulinum, phải nhập 3 bệnh viện. 5 trường hợp đã ăn bánh mì kèm với một loại chả lụa bán dạo, người còn lại ăn một loại mắm để lâu ngày.

Ngoài 3 bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, có hai bệnh nhân 18 tuổi và 26 tuổi nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Một người đàn ông 45 tuổi nằm tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Tuy nhiên đến tối 24/5, người đàn ông 45 tuổi đã tử vong vì biến chứng nặng, không kịp dùng thuốc giải BAT được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam.

Đến ngày 25/5, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, các mẫu chả lụa bệnh nhân ăn và mẫu tại nơi sản xuất đều âm tính với độc tố botulinum.