Cận cảnh 6 lọ thuốc giải botulinum 8.000 USD quý giá về Việt Nam trong đêm
(Dân trí) - 6 lọ thuốc BAT giải độc tố botulinum do Tổ chức Y tế thế giới viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam đã về đến TPHCM trong đêm 24/5, sau đó được chuyển ngay cho 3 bệnh viện.
19h ngày 24/5, chuyến bay chở đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mang theo 6 lọ thuốc hiếm Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) giải độc tố botulinum đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM).
Tiếp đoàn của WHO có lãnh đạo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đại diện Sở Y tế TPHCM và lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đơn vị đại diện tiếp nhận thuốc.
Tổng cộng có 6 lọ thuốc BAT (giá 8.000 USD/lọ) được WHO viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam trong đợt này. Các lọ thuốc được vận chuyển từ kho của WHO tại Thụy Sỹ về Việt Nam.
Khoảng 20h cùng ngày, xe chở thuốc về đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tại đây, đại diện các Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhi đồng 2 (nơi đang điều trị các bệnh nhân ngộ độc botulinum) đã có mặt từ trước để chờ nhận thuốc.
Ngay sau khi thuốc giải được bàn giao từ chuyên gia của WHO, lãnh đạo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã tiến hành phân phối cho các bệnh viện. Cụ thể, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận 2 lọ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhận 1 lọ, 3 lọ còn lại được Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận.
Tuy nhiên theo nguồn tin của Dân trí, trong số các trường hợp bệnh nhân ngộ độc botulinum điều trị tại TPHCM, đã có một bệnh nhân biến chứng nặng, quá thời gian chỉ định dùng thuốc giải.
Trước đó để có thuốc khẩn cấp điều trị bệnh nhân ngộ độc botulinum tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chỉ đạo Cục Quản lý Dược nhanh chóng làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới, đề nghị hỗ trợ thuốc giải BAT cho Việt Nam. Ngay sau đó, WHO đã quyết định viện trợ khẩn cấp 6 lọ thuốc này.
Từ ngày 13/5, TPHCM đã ghi nhận 6 người (đều ngụ TP Thủ Đức) xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc botulinum. 5 trường hợp đã ăn bánh mì kèm với một loại chả lụa bán dạo, người còn lại ăn một loại mắm để lâu ngày.
Trong 6 bệnh nhân, có 3 anh em ruột điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đã được truyền thuốc giải BAT. Các bệnh nhân còn lại (gồm 2 ca tại Bệnh viện Chợ Rẫy và trường hợp tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định) đang điều trị cầm cự.
Lãnh đạo phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, không thể loại trừ việc tới đây sẽ phát sinh thêm các ca ngộ độc botulinum mới. Thuốc giải dùng càng sớm sẽ càng hiệu quả, giúp trung hòa botulinum còn lại trong máu, ngăn độc tố không tấn công vào hệ thần kinh và giảm triệu chứng nặng.
Trong ngành y, việc dự phòng tốt hơn điều trị, để khi phát sinh ca mới sẽ có ngay thuốc giải sẽ cứu được mạng người. Do đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã làm văn bản khẩn gửi Sở Y tế TPHCM và Bộ Y tế, trình bày tính cấp thiết trong việc mua sắm, nhập khẩu thuốc giải BAT điều trị cho những bệnh nhân hiện tại, cũng như dự phòng tình huống mới.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho rằng, thuốc giải độc quý hiếm, đắt tiền như BAT cần được mua dự trữ như chương trình dự phòng quốc gia, có điều phối của nhà nước.