Nghiện game: 30 tuổi, tốt nghiệp đại học vẫn "ngơ ngơ" không thể xin việc
(Dân trí) - Việc lún sâu vào game từ khi còn ở độ tuổi học sinh khiến bệnh nhân bị rối loạn nhận thức trầm trọng, không hòa nhập được với cuộc sống bình thường.
Đánh đổi tương lai chỉ vì game
Sau 8 năm kể từ khi nhận tấm bằng đại học, anh Trường (tên nhân vật đã được thay đổi), 30 tuổi, sống tại Hà Nội vẫn chưa thể xin được việc làm. Nguyên nhân chỉ vì nam thanh niên này bị nghiện game (trò chơi điện tử) nặng.
Anh Trường là một bệnh nhân được TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) tiếp nhận điều trị.
Theo BS Thu, việc lún sâu vào game từ khi còn ở độ tuổi học sinh khiến anh Trường bị rối loạn nhận thức trầm trọng, không hòa nhập được với cuộc sống bình thường.
"Bệnh nhân đã 30 tuổi nhưng vẫn ở nhà không chịu làm gì. Tâm trí ngây ngô như một đứa trẻ con và không có hiểu biết gì về lĩnh vực khác.
Bệnh nhân cũng không có khả năng tập trung và không thể duy trì được mối quan hệ với bạn bè", BS Thu phân tích.
Theo chuyên gia này, khi đến bệnh viện điều trị, anh Trường tuy không la hét với bác sĩ và có vẻ nghe lời nhưng khi về nhà thì bố mẹ không quản được. Bệnh nhân liên tục vùng vằng, yêu sách để thỏa mãn nhu cầu trước mắt là phải chơi game nên bố mẹ đành nhượng bộ.
Anh Trường chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị rối loạn tâm thần, đánh đổi tương lai vì nghiện game mà BS Thu đã tiếp nhận điều trị.
Nghiện game đe dọa sức khỏe tinh thần và đặc biệt nguy hiểm với những đối tượng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tâm thần.
BS Thu chỉ rõ: "Đối với các trường hợp tiềm ẩn bệnh tâm thần thì lạm dụng game được coi là nút kích hoạt khiến cho bệnh phát triển mạnh mẽ. Một số bạn vẫn có thể tạm kìm hãm sự nghiện game ở một thời điểm nào đó, tuy nhiên vẫn có khả năng mắc lại và gặp những hậu quả tiêu cực".
Người nghiện game phần lớn có tiềm ẩn vấn đề về sức khỏe tâm thần, điển hình là trầm cảm, rối loạn lo âu, tăng động giảm chú ý (ADHD). Một số trường hợp nghiện chơi game đến mức không ăn uống gì, dẫn đến suy kiệt, tử vong.
"Biến chứng nặng nhất của trầm cảm là tự sát còn biến chứng nặng nhất của lo âu là tàn phế, mất sức lao động bởi các bệnh nhân liên tục lo lắng, căng thẳng quá mức dẫn tới không thể tập trung việc gì khác", BS Thu giải thích về các hậu quả khôn lường của nghiện game.
9 dấu hiệu chỉ điểm tình trạng nghiện game
Theo BS Thu, lạm dụng chơi game là một thói quen khó bỏ và đây chính là nguy cơ dẫn tới mắc nghiện. Nghiện game là một bệnh của não, điều trị nghiện game cần can thiệp chuyên sâu về lĩnh vực sức khỏe tâm thần.
Nếu không kịp thời phát hiện bệnh thì sẽ có nhiều tai họa khó lường, làm tổn hại đến tương lai của bệnh nhân cũng như tăng thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
BS Thu chỉ ra các dấu hiệu nhận diện tình trạng nghiện game:
- Chơi game không ngừng nghỉ. Mỗi khi đã hoàn thành một trò chơi thì sẽ nghĩ ngay đến trò chơi khác.
- Dành phần lớn thời gian trong ngày để chơi game. Khi không được chơi game nữa, thường xuất hiện các triệu chứng khó chịu, bứt rứt, lo lắng, bồn chồn hay buồn chán.
- Có thể buông bỏ mọi việc để chơi game, bất kể việc quan trọng đến đâu.
- Tự hứa rằng sẽ không chơi game nữa nhưng lại vẫn cứ chơi tiếp.
- Mất đi các sở thích trước đây.
- Tiếp tục chơi cho dù biết rõ tác hại, ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân (ví dụ như mỏi mắt, đau lưng, đói…).
- Nói dối gia đình về quỹ thời gian chơi game của mình.
- Sử dụng game như một cách thoát khỏi tâm trạng xấu như cảm giác bất lực, mặc cảm và lo lắng.
- Gây nguy hiểm cho người khác hoặc mất đi các mối quan hệ, thậm chí mất việc làm và cơ hội nghề nghiệp vì bị ảnh hưởng từ những hành vi có trong game.
Chỉ cần xuất hiện 5 dấu hiệu trong khoảng thời gian tiếp xúc với game là 12 tháng, thì chẩn đoán xác định là mắc bệnh nghiện game, cần đến gặp bác sĩ để điều trị chuyên khoa.