Ngày 11/8, Hà Nội ưu tiên xét nghiệm "vùng đỏ", bóc tách F0 khỏi cộng đồng
(Dân trí) - Trong ngày 11/8, cả nước ghi nhận 8.766 ca nhiễm mới, trong đó Hà Nội có 40 trường hợp.
Bí thư Hà Nội: Chủ động chống dịch ở mức độ cao hơn!
Chiều 10/8, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã trực tiếp thị sát, kiểm tra tình hình và làm việc với Quận ủy Hoàng Mai về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Kết luận buổi kiểm tra, Bí thư Đinh Tiến Dũng nhận định, dù là địa bàn đông dân cư, lượng người, phương tiện lưu chuyển lớn nhưng quận Hoàng Mai đã chủ động, quyết liệt, có sáng tạo trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tổ chức giãn cách xã hội bài bản, thực chất từ cơ sở.
Không chỉ kiểm soát tốt tình hình dịch trên địa bàn, quận Hoàng Mai còn tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị thành phố trong việc thành lập các khu cách ly y tế tập trung, bệnh viện dã chiến, các cơ sở thu dung điều trị F0.
Sau khi lưu ý về việc quận Hoàng Mai là địa bàn luôn có nguy cơ cao, tiềm ẩn sự lây lan mạnh của dịch bệnh Covid-19, ông Dũng đã yêu cầu Quận ủy phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy hơn nữa kết quả, những bài học kinh nghiệm. Xem thêm tại đây.
Giữ vững "vùng xanh", bóc tách F0 khỏi cộng đồng để giảm "vùng đỏ"
Hà Nội đã quyết định xét nghiệm khoảng 300.000 mẫu tại các khu vực, đối tượng có nguy cơ cao ở 30 quận, huyện, thị xã nhằm phát hiện sớm người mắc bệnh, từ đó đánh giá tình hình và có các biện pháp chống dịch kịp thời.
Thành phố cũng vừa quyết định khẩn trương nâng cao năng lực xét nghiệm đạt trên 200.000 mẫu/ngày và trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất; huy động các cơ sở, lực lượng y tế của Trung ương, công an, quân đội, ngoài công lập và các nguồn lực xã hội cùng nhân dân trên địa bàn tham gia chiến dịch lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng trên toàn địa bàn, với quy mô tối đa khoảng 1,3 triệu mẫu.
Trước mắt, Thường trực Thành ủy chỉ đạo tập trung ưu tiên triển khai tại các khu vực có nguy cơ rất cao (vùng đỏ), khu vực phong tỏa, cách ly, các trường hợp có triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2 (ho, sốt, khó thở…), các trường hợp nguy cơ cao, di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người (lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch tại cơ sở, người giao hàng, người làm trong các chuỗi cung ứng thực phẩm, chợ, siêu thị…) để kịp thời chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, dần đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.
Trong khoảng thời gian từ ngày 9 - 17/8, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện xét nghiệm với tổng số mẫu tối đa khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR cho toàn bộ người dân trong "vùng đỏ" là khu vực trong các xã, phường nguy cơ rất cao theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG, các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều như: chuỗi cung ứng, chợ, công nhân, bảo vệ các tòa nhà... và các khu vực nguy cơ cao khác. Xem thêm tại đây.
Cần làm gì để không có "đợt giãn cách thứ 3"?
Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố đến 6h ngày 23/8 để phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Nghị quyết 86 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng đặt ra mốc thời hạn đối với Hà Nội, đó là phấn đấu đến trước ngày 25/8, thủ đô cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, để có thể hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh trong đợt giãn cách thứ 2, Hà Nội cần thực hiện tốt một số biện pháp chính sau: Phải thực hiện giãn cách thật nghiêm ngặt; có thể xét nghiệm diện rộng; cần tạo được nhiều vùng xanh an toàn.
"Khi giãn cách nghiêm thì sau 14 ngày, các ca F0 (không có triệu chứng) lẩn khuất sẽ tự khỏi bệnh, không lây nhiễm cho người khác" - ông Phu nêu quan điểm. Xem thêm tại đây.
Thế Anh