1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội cần làm gì để không có "đợt giãn cách thứ 3"?

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Chuyên gia y tế cho rằng, song song với việc thực hiện giãn cách thật nghiêm ngặt, Hà Nội cần thực hiện tốt một số biện pháp chính để nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh trong đợt giãn cách xã hội.

Hà Nội cần làm gì để không có đợt giãn cách thứ 3? - 1

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Hà Nội cần thực hiện giãn cách thật nghiêm ngặt và đây là điều quan trọng số 1 để "cách ly" người nhiễm vi rút với người bình thường do vẫn còn ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng (Ảnh minh họa).

Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố đến 6h ngày 23/8 để phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Nghị quyết 86 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng đặt ra mốc thời hạn đối với Hà Nội, đó là phấn đấu đến trước ngày 25/8, thủ đô cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, để có thể hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh trong đợt giãn cách thứ 2, Hà Nội cần thực hiện tốt một số biện pháp chính sau:

Một là, Hà Nội phải thực hiện giãn cách thật nghiêm ngặt. Đây là điều quan trọng số một để "cách ly" người nhiễm vi rút với người bình thường do vẫn còn ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng. Việc xét nghiệm diện rộng dù được triển khai cũng khó có thể "bóc" hết F0, vì có thể người dân âm tính ở thời điểm xét nghiệm nhưng sau đó lại dương tính.

"Tuy nhiên, khi giãn cách nghiêm thì sau 14 ngày, các ca F0 (không có triệu chứng) lẩn khuất sẽ tự khỏi bệnh, không lây nhiễm cho người khác" - ông Phu nêu quan điểm.

Hai là, Hà Nội có thể xét nghiệm diện rộng để phát hiện và tổ chức khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Việc xét nghiệm được thực hiện trên diện rộng nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng nguy cơ, vùng được chỉ định, các đối tượng nguy cơ, khu công nghiệp, chuỗi cung ứng… không xét nghiệm tràn lan.

Việc xét nghiệm này sẽ giúp Hà Nội đánh giá được nguy cơ dịch bệnh sau những ngày giãn cách, là yếu tố để tiến tới nới lỏng một cách hợp lý các biện pháp phòng, chống dịch.

"Xét nghiệm diện rộng ngoài tác dụng "bóc" F0 còn có giúp Hà Nội đánh giá tình hình dịch, đánh giá nguy cơ. Điều này là vô cùng quan trọng" - ông Phu nhấn mạnh.

Hà Nội cần làm gì để không có đợt giãn cách thứ 3? - 2

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đã đưa ra nhiều ý kiến để Hà Nội có thể kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tiếp tục giãn cách xã hội (Ảnh: Trần Thanh).

Ba là, Hà Nội cần tạo được nhiều vùng xanh an toàn (vùng không có dịch). Từ các ngõ, xóm an toàn, đường phố an toàn rồi tiến tới quận, huyện an toàn, thủ đô an toàn. Nếu như cứ giãn cách mà chủ quan, không tạo được vùng xanh an toàn thì dịch rất dễ bùng lên.

"Thời gian vừa qua, Hà Nội đã tạo được nhiều vùng xanh an toàn do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tốt và được người dân tự quản. Đây là việc rất quan trọng. Kết hợp với thực hiện tốt "5K" thì chuỗi lây nhiễm ngoài cộng đồng có thể bị cắt đứt, không lây lan diện rộng" - ông Phu cho hay.

Đáng chú ý, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, nếu Hà Nội thực hiện tốt, đồng bộ các biện pháp nêu trên thì hoàn toàn có thể kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, Hà Nội cần xem xét nới lỏng từ từ theo hoạt động, theo vùng nguy cơ, không nới lỏng toàn thành phố, nới tất các hoạt động một thời điểm.

Hoạt động nào có nguy cơ cao cho sự lây lan dịch bệnh thì vẫn chưa được phép hoạt động, địa bàn nào còn nguy cơ rất cao mà ta vẫn gọi là "vùng đỏ" (có ca F0) thì vẫn phải giãn cách. Điều này cần dựa trên đánh giá nguy cơ và thực tế để quyết định phù hợp.

"Không chủ quan lơ là, vì dịch bệnh trên thế giới cũng như trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường" - PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý.

Đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay ở Hà Nội

Theo thông tin vừa được Hà Nội phát đi, trong khoảng thời gian từ ngày 9 - 17/8, thành phố sẽ tập trung thực hiện xét nghiệm với tổng số mẫu tối đa khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR cho toàn bộ người dân trong "vùng đỏ" là khu vực trong các xã, phường nguy cơ rất cao. Các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều như: chuỗi cung ứng, chợ, công nhân, bảo vệ các tòa nhà... và các khu vực nguy cơ cao khác.

Việc xét nghiệm cho những người có triệu chứng ho, sốt... qua khai báo y tế vẫn được thực hiện thường xuyên theo quy định của thành phố.

Xét nghiệm cho "nhóm da cam" bao gồm các đối tượng là nhân viên y tế, bệnh nhân, người lao động trực tiếp tại các chuỗi cung ứng, lái xe, shipper, bảo vệ tòa nhà... trên cơ sở chỉ định chuyên môn dịch tễ.

Việc xét nghiệm "vùng xanh" được thực hiện theo hộ gia đình tại các quận nội thành và các huyện có nguy cơ cao, mỗi hộ gia đình lấy đại diện một mẫu của một thành viên có nguy cơ cao nhất.

Song song với việc thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR cho người dân thuộc các nhóm nêu trên, các địa bàn còn lại sẽ chủ động triển khai xét nghiệm test nhanh theo hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế, dự kiến thực hiện 2 triệu test nhanh.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cùng với chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất trong lịch sử Thủ đô, đây cũng là đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

"Ngành y tế Thủ đô quyết tâm thực hiện nhanh nhất kế hoạch để đạt được mục tiêu phát hiện, khoanh vùng ổ dịch, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt để F1, khoanh vùng và giảm "vùng đỏ", không để phát sinh chùm ca bệnh mới và bảo đảm an toàn, giữ vững "vùng xanh" hiệu quả, từng bước đẩy lùi dịch bệnh" - bà Hà cho hay.