Mỹ: Bệnh nhiễm trùng tái xuất do phong trào phản đối vắc xin

(Dân trí) - Nước Mỹ đang báo động về sự tái xuất của những bệnh nhiễm trùng đã từng bị xóa sổ nhờ vắc xin, và nguyên nhân phần lớn là do các bậc phụ huynh không cho con đi tiêm phòng.

Mỹ: Bệnh nhiễm trùng tái xuất do phong trào phản đối vắc xin


 

 

Bệnh sởi đã quay lại, ít nhất là ở thành phố New York, nơi đã có 19 ca bệnh được xác nhận từ đầu năm đến nay.

 

Tuy nhiên, New York không phải là bất thường. Nhiều bệnh từng bị xóa sổ ở Mỹ nhờ các vắc xin, lại đang trỗi dậy trên khắp cả nước. Ví dụ bệnh sởi, từng được xem là đã bị quét sạch vào năm 2000, lại đang gây ra nhiều vụ dịch trong vài năm trở lại đây.

 

Sự xuất hiện của những bệnh này - đặc biết là sởi - rất đáng báo động, và phần lớn là do nhiều bậc phụ huynh ở Mỹ không tiêm chủng cho con. “Nếu bạn không tiêm chủng và bạn tiếp xúc với sởi, 90% khả năng là bạn sẽ bị bệnh,” Jason McDonald, phát ngôn viên của Trung tâm Phòng chống bệnh (CDC) Mỹ cho biết.

 

Mặc dù dịch sởi chủ yếu liên quan đến những người không tiêm chủng, song ông McDonald lưu ý rằng một số vắc xin không phải phòng bệnh vĩnh viễn. Ví dụ, vắc xin ho gà có thể mất dần hiệu quả theo thời gian. Và nhìn chung thì đa số người dân đều đã tiêm chủng. Một báo cáo của CDC trên trẻ bắt đầu vào học mẫu giáo trong năm học 2012–13 tại tất cả các bang ở Mỹ cho thấy hơn 90% đã tiêm vắc xin.

 

Tuy nhiên, có nhiều người - bao gồm cả những nhân vật nổi tiếng và người của công chúng - không cho con tiêm vắc xin và cổ vũ cho sự lựa chọn của mình. Nữ MC truyền hình Jenny McCarthy là một trong số những người hăng hái nhất trong phong trào bài vắc xin vì cô tin rằng các vắc xin chứa đầy chất độc và gây bệnh tự kỷ.

 

Những định kiến này đã gây ra tác hại thế nào? Dưới đây là một số bệnh phòng ngừa được nhưng đang tái xuất hiện ở Mỹ “nhờ” phong trào bài xích vắc xin.

 

Bệnh sởi: Theo CDC, cứ 1.000 trẻ bị bệnh sởi thì sẽ có 1-2 trẻ tử vong. Hiện nay, các nhân viên y tế công cộng đang rất lo ngại về tình hình ở New York, nhưng ngay trong 3 tháng qua đã có nhiều ca bệnh được báo cáo ở Massachusetts, Illinois và California. CDC báo cáo rằng từ 1 tháng Giêng tới 28/2/2014, đã có 54 trường hợp bị bệnh sởi, trong khi trung bình mỗi năm ở Mỹ chỉ có khoảng 60 ca bệnh này. Phần lớn người dân Mỹ đều được tiêm chủng sởi, nhưng vì bệnh vẫn lưu hành ở các nước khác, nên người dân có thể lây bệnh khi ra nước ngoài nếu không tiêm phòng. Thành phố New York vẫn chưa xác định được nguồn bệnh.

 

Quai bị: Vừa mới tháng trước, cơ quan y tế đã xác nhận 23 trường hợp bệnh quai bị ở Trường Đại học Bang Ohio. Năm 2011, đã có một vụ dịch quai bị xảy ra ở khu ký túc xá Berkely, trường Đại học California, với 29 ca mắc được CDC xác nhận. Nguồn dịch được cho là từ một sinh viên chưa tiêm chủng đã đi du lịch ở tây Âu, là nơi bệnh quai bị vẫn hiện diện. Năm 2013, một vụ dịch nhỏ hơn đã bùng phát trong sinh viên Trường Đại học Loyola, Maryland. Vụ dịch lớn gần đây nhất xảy ra năm 2006, khi dịch bùng phát trên nhiều bang với 6.584 ca được báo cáo. Con số thông thường là dưới 20 ca mỗi năm.

Ho gà: Các vụ dịch ho gà được cho là xảy ra do miễn dịch từ vắc xin bị suy yếu dần. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí Pediatrics đã báo cáo rằng vụ dịch ho gà tồi tệ nhất của California, khiến hơn 9.000 người bị bệnh, cũng được tiếp sức vởi một số lớn trẻ em chưa tiêm chủng.

 

Thủy đậu: Năm 2012, một hạt ở bang Indiana đã xảy ra dịch thủy đậu lớn với hơn 80 ca, được cho là bắt đầu từ một trẻ không tiêm vắc xin. Vắc xin có hiệu quả 90%, vì thế vẫn có khả năng những người đã tiêm vắc xin cũng bị lây bệnh.

 

Cẩm Tú

Theo Time