Mướp đắng... dã tật
"Thuốc đắng dã tật", câu nói được truyền lâu đời trong dân gian quả không sai khi áp dụng cho quả mướp đắng - một loại thực phẩm có vị đắng khó ăn nhưng lại có nhiều công dụng như thanh nhiệt, giải độc, giảm béo.
Mướp đắng còn có tên gọi khác là khổ qua. Theo Đông y, loại thực phảm này có vị đắng, tính hàn, không độc và có công dụng bổ huyết, bổ gan, giải độc... Y học hiện đại cho biết, mướp đắng có khả năng chống lại các tế bào ung thư, chống các gốc tự do, ức chế hoạt tính các men tổng hợp glucose.
Để trị mụn nhọt, rôm sẩy: Dùng quả hay dây mướp đắng, đun sôi kỹ lấy nước, để nguội tắm mỗi ngày sẽ khỏi.
Để hạ nhiệt, giải độc: Lấy mướp đắng thái nhỏ, phơi hoặc sấy khô, mỗi ngày dùng 15g hãm với nước sôi, uống thay nước trà.
Trị bệnh tiểu đường: Nhờ chứa hợp chất có tác dụng tương tự như insulin, mướp đắng có tác dụng giúp hạ đường huyết rõ rệt. Công thức làm thuốc rất đơn giản: Lấy mướp đắng tươi rửa sạch, cắt nhỏ, đun sôi lấy nước uống thay nước. Ngoài ra, cũng có thể dùng lá đun lấy nước uống.
Phòng ngừa ung thư: Y học hiện đại phát hiện trong mướp đắng có một loại protein hoạt tính, có khả năng phòng ngừa ung thư rất hiệu quả, loại protein này kích thích hệ miễn dịch, loại trừ độc tố trong cơ thể. Ngoài ra, với hàm lượng vitamin C cao, mướp đắng cũng giúp chống oxy hóa rất tốt.
Tác dụng giảm cân: Năm 1998, nhà khoa học người Mỹ đã tìm ra nguyên tố thanh lọc mỡ trong mướp đắng. Hiện phương pháp giảm béo bằng mướp đắng đã được đưa vào điều trị giảm béo ở nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Theo các nhà chuyên môn, lượng mướp đắng tối thiểu cần cung cấp mỗi ngày từ 1 - 2 quả, đặc biệt ăn sống mới có tác dụng.
Những món ăn từ mướp đắng
Mướp đắng nhồi thịt
Chuẩn bị: 4 trái mướp đắng, 100g thịt rọi nhiều nạc, 100g cá thác lác, 1 lọn bún tàu, nấm mèo, hành củ, hành lá, gia vị (mỗi thứ một ít).
Chế biến: Mướp đắng rửa sạch. Dùng dao bổ dọc một đường bên hông trái, lấy hết hạt, rửa sạch 1 lần nữa. Thịt băm nhuyễn, cá quết lại cho dai, mộc nhĩ ngâm nở, cắt thành sợi, bún tàu ngâm mềm, cắt nhỏ. Hành rửa sạch, thái nhỏ.
Trộn chung tất cả các hỗn hợp trên và nêm chút gia vị cho đậm đà rồi dùng làm nhân nhồi vào mướp đắng đã lấy hạt. Xếp mướp đắng đã nhồi thịt vào nồi, cho đầy nước và nấu cho mềm. Múc ra tô và rắc ít tiêu, hành ngò lên mặt.
Mướp đắng xào trứng: Lấy hai trái mướp đắng, bỏ hạt và bào mỏng. Đảo dầu ăn với hành thái nhỏ cho thơm và bỏ mướp đắng vào đảo đều, nêm nếm gia vị cho vừa miệng, rồi cho 1 - 2 quả rứng gà vào đảo đều. Trứng chín, tắt bếp, múc ra đĩa, rắc ít hạt tiêu, ăn có vị giòn, thơm.
Bí quyết
Chọn quả có màu xanh đậm, thon dài, vỏ còn tươi, không tì vết. Những quả có gai nở to ăn thường ít đắng.
Để vị đắng bớt đi, trước khi hầm bạn trụng sơ mướp trong nước sôi pha ít muối và đường, vớt ra xả nước lạnh và để ráo.
Để giữ tươi lâu, bạn nên gói mướp đắng cẩn thận bằng 2 lớp nylon và bảo quản ở ngăn mát của tủ lạnh.
Với món mướp đắng hầm, nấu mềm ăn mới ngon, nhưng với mướp đắng xào thì ngược lại, nên xào vừa chín tới, ăn sần sật sẽ có vị đắng mà lại bùi.
Theo Hoàng Lan
Thời trang trẻ