TPHCM:

Mua bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS

(Dân trí) - Theo ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, trong khi nguồn tài trợ quốc tế ngày càng giảm, còn ngân sách nhà nước hạn chế, muốn triệt tiêu đại dịch AIDS thì cách duy nhất là phải mua bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Ngày 11/11, UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai kế hoạch hành động giai đoạn 2016 – 2020.

Mục tiêu của TPHCM là kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030
Mục tiêu của TPHCM là kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030

Theo báo cáo của UBND TP, tính từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 12/1990 đến hết tháng 6/2015, thành phố có gần 41.000 trường hợp nhiễm HIV được quản lý, gần 11.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. Hiện nay, thành phố đang quản lý  gần 30.800 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó có gần 17.500 người đang được điều trị.

Trong 5 năm qua, xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng và đã vượt xu hướng lây nhiễm qua đường máu. Điều này cho thấy xu hướng lây lan của dịch HIV trong cộng đồng dân cư có thể lấn át dần xu hướng tập trung trên nhóm đối tượng nguy cơ cao. Cụ thể, trung bình có 57,5% người nhiễm HIV bị lây qua đường tình dục và có 41% bị lây qua đường máu (giai đoạn 2006 - 2010, tỷ lệ này là 24% và 59%).

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận, trong giai đoạn 2011 - 2015, dịch HIV/AIDS có chiều hướng giảm dần qua từng năm nhưng vẫn ở mức cao trên các nhóm đối tượng có nguy cơ cao (đối tượng nghiện chích ma túy, gái mại dâm, nhóm nam có quan hệ đồng giới).

Thành phố đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể, tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư đã được khống chế ở mức dưới 0,6%; tỷ suất nhiễm HIV mới trong cộng đồng dân cư khoảng 0,03%; tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện nay ở mức dưới 3%.

Theo ông Hứa Ngọc Thuận, “cuộc chiến” chống lại đại dịch HIV/AIDS luôn đầy chông gai và nhiều thử thách. Dịch HIV/AIDS tại TPHCM mặc dù giảm mạnh và khống chế nhưng vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn các yếu tố có thể bùng nổ dịch nếu không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn. Một trong những khó khăn mà thành phố gặp phải là nguồn kinh phí, nhân lực.

Ước tính tổng nhu cầu kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS tại thành phố giai đoạn 2016 – 2020 là 2.250 tỷ đồng, trong khi khả năng đáp ứng từ các nguồn là 1.700 tỷ đồng và cũng không chắc chắn (nguồn ngân sách nhà nước còn tùy thuộc cân đối thu chi của Chính phủ và thành phố). Do đó, kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại thành phố giai đoạn 2016 – 2020 sẽ thiếu hụt, ước tính khoảng 550 tỷ đồng.

“Nếu chúng ta đã xem những người mắc HIV/AIDS là bệnh nhân, thì chế độ, chính sách đối với bệnh nhân nên thống nhất. Nếu có chính sách mua bảo hiểm y tế và bệnh nhân này được thanh toán bảo hiểm y tế thì mọi việc từ khó trở thành dễ. Nếu muốn dịch HIV/AIDS không bùng phát thì phải có sự can thiệp của nhà nước. Sự can thiệp thông qua nguồn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”, ông Thuận nói.

Theo ông Thuận, hiện thành phố có 17.500 người nhiễm HIV/AIDS đang được tài trợ và hỗ trợ điều trị. Nhưng còn lại hơn 13.000 người thì ai lo? Nếu không quản lý, điều trị cho số bệnh nhân nhân này thì bệnh sẽ lây nhiễm, lan truyền và đi đến hậu quả khôn lường. Chưa kể đến số lượng phát sinh hàng năm. Trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế ngày càng giảm và có thể không còn, nguồn ngân sách nhà nước có hạn thì chỉ có thể thông qua con đường duy nhất là bảo hiểm y tế.

Ông Thuận cho biết, TPHCM sẽ có văn bản đề nghị Bộ Y tế, Chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc mua bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS.

“Nếu Bộ Y tế, Chính phủ đồng ý thì thành phố cam kết mua bảo hiểm y tế cho tất cả các bệnh nhân HIV/AIDS (hơn 30.000 người) thông qua vận động các nguồn hỗ trợ xã hội, để mỗi bệnh nhân được thanh toán khi khám, điều trị”, ông Thuận khẳng định.

Quốc Anh

Mua bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS - 2