Một người già mắc cùng lúc 5 - 6 bệnh mạn tính

(Dân trí) - Thống kê tại BV Lão khoa Trung ương cho thấy, một người già vào viện thường có 5 - 6 bệnh cần phải giải quyết cùng một lúc.

Ngay 23/12, tại Hội thảo chia sẻ kinh kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc BV Lão khoa Trung ương cho biết, hiện Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, vì thế mô hình y tế chăm sóc y tế cũng cần phải đáp ứng để chăm sóc số người già ngày càng tăng cao trong xã hội.

Một người già mắc cùng lúc 5 - 6 bệnh mạn tính - 1

Thống kê trên số bệnh nhân đến khám tại BV Lão khoa Trung ương cho thấy, một người già khi vào viện thường mắc 5 - 6 bệnh cần phải giải quyết cùng lúc.

Theo GS Thắng, có thể kể đến một loạt các bệnh mãn tính và thoái hóa mà người già thường gặp, đó là các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thoái khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ…

Trong khi dó, người già thường mắc nhiều bệnh một lúc. Vì thế, nhu cầu của bệnh nhân cao tuổi không chỉ là điều trị cấp, đợt cấp bệnh mạn tính, mà còn cần điều trị, hỗ trợ liên tục sau giai đoạn cấp; chăm sóc giảm nhẹ; phục hồi chức năng; dinh dưỡng; chăm sóc hoạt động hàng ngày…

Đặc biệt, những người trên 80 tuổi thường mắc các hội chứng đặc trưng của người già như hội chứng dễ bị tổn thương, lú lẫn, suy giảm nhận thức (bệnh Alzheimer), rối loạn đi và ngã, suy dinh dưỡng, trầm cảm, loét, mất nước… đòi hỏi cần được chăm sóc đặc biệt. Chính vì vậy, hệ thống y tế cần có những thay đổi để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người cao tuổi.

Vì thế, với người già, cần chuyển mô hình bệnh viện “nội khoa” sang lão khoa. Mô hình chăm sóc người cao tuổi cần được mở rộng và nâng cao chất lượng, kể cả tại các cơ sở y tế công lập và nhà dưỡng lão tại cộng đồng. Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2015, Bệnh viện Lão khoa Trung ương đang đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực của cán bộ y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, truyền thông nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vấn đề này; cũng như hướng tới việc chăm sóc toàn diện người cao tuổi, không để tình trạng người nhà hay ô sin bệnh viện chăm sóc người bệnh trong bệnh phòng; tính đến phương án cung cấp toàn bộ xuất ăn cho bệnh nhân nội trú.

Theo Bộ Y tế, từ năm 2012, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2035, chỉ sau 23 năm, trong khi tại nhiều nước phát triển trên thế giới, quá trình này phải mất từ 70 đến hơn 100 năm.

Mô hình y tế chăm sóc cho người cao tuổi cũng đang được quan tâm, đầu tư. Theo GS Thắng, việc thành lập khoa Lão tại các bệnh viện tỉnh là rất cần thiết. Tuy nhiên thực tế theo khảo sát của BV Lão khoa Trung ương trong hai năm 2013, 2014 cho thấy mới chỉ có 1/17 tỉnh thành lập khoa Lão; 10/17 tỉnh ghép khoa Lão với các khoa khác, 2/17 tỉnh có giường cho người cao tuổi…Trong khi đó đặc thù của người già khi đi khám bệnh rất khó di chuyển vì yếu, mắc nhiều bệnh lý cùng lúc khó đi lại, đòi hỏi mô hình khám, chữa bệnh phải phù hợp, an toàn, khép kín. Vì thế, GS Thắng cũng đề xuất mô hình khoa Lão tại các BV cần quan tâm đến yếu tố này để phù hợp với người già.

Ngoài ra mô hình nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế; mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng cũng là những nơi có những đóng góp quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Hồng Hải