Món lòng xào dưa: Lưu ý gì khi ăn để tránh rước bệnh vào người?
(Dân trí) - Lòng xào dưa là món ăn khoái khẩu của nhiều người Việt, đặc biệt là dân nhậu. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý khi ăn để tránh rước bệnh vào người.
Lòng xào dưa: Món ăn bắt miệng, giàu dinh dưỡng
Món lòng xào dưa quen thuộc được cấu thành từ các nguyên liệu mang giá trị dinh dưỡng cao. Đây là món ăn bình dân phổ biến, chỉ với 30.000-50.000đ nguyên liệu là có thể chế biến được một đĩa lớn.
Theo các chuyên gia, lòng lợn nói riêng và nội tạng động vật nói chung rất giàu dưỡng chất và calo. Cụ thể, các nội tạng thường cho lượng calo năng lượng tương đương thịt nạc (100-150 calo/100g), hàm lượng protein khoảng 16-22% trọng lượng (trừ não và tủy) và hàm lượng chất béo trung bình từ 5-7%, trong đó chủ yếu là chất béo bão hòa và cholesterol.
Trong khi đó, dưa muối là thực phẩm được lên men từ muối, đường. Trong quá trình này, chủng vi khuẩn lactic sẽ xuất hiện và sản sinh rất nhanh. Đây là chủng vi khuẩn sinh ra acid lactic, tạo những hợp chất giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn xấu gây thối, nấm mốc. Khi dưa vừa chín tới, có vị chua thanh nhẹ, thơm là thời điểm chủng vi khuẩn lactic phát triển cao nhất.
Khi được hấp thụ vào cơ thể, vi khuẩn lactic sẽ tiếp tục phát triển và tiêu diệt, ức chế sự hoạt động của các loại vi khuẩn xấu khác. Vì vậy, nó đặc biệt có lợi cho đường ruột, ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa và còn có khả năng giúp gia tăng kháng thể.
Không ăn nhiều để tránh rước bệnh vào người
Mặc dù là món ăn khoái khẩu và nhiều giá trị dinh dưỡng, nhưng chúng ta không nên ăn quá nhiều lòng xào dưa để tránh các động tiêu cực đến cơ thể.
Cụ thể, lòng có lượng đạm và cholesterol rất cao. Do đó, khi lạm dụng sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn chuyển hóa, mỡ máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đặc biệt những người có bệnh liên quan đến chuyển hóa chất đạm như gút, suy thận, béo phì, tiểu đường hoặc bệnh tim càng cần phải hạn chế loại thực phẩm này.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo chỉ nên bổ sung lượng chất béo bão hòa bằng 5-6% lượng calo tiêu thụ hàng ngày. Lượng cholesterol tối đa hàng ngày được cho phép sử dụng đối với người khỏe mạnh là 300mg và người bị bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim là 200mg. Do đó, theo khuyến cáo từ các chuyên gia dinh dưỡng, người lớn chỉ ăn khoảng 50 - 70g lòng lợn/lần. Mỗi tuần chỉ nên ăn 1 - 2 lần. Với trẻ nhỏ thì chỉ 30 - 50g cho mỗi lần ăn.
Ngoài ra, lòng, dạ dày thường là nơi chứa chất thải bỏ, nhiều loại ký sinh trùng, vi trùng, virus gây bệnh có thể gây bệnh cho người.
Trong khi đó, theo nhiều kết quả nghiên cứu, các loại rau dùng để muối dưa khi trồng được bón bằng phân đạm urê nên vẫn còn tồn dư một lượng nitrat đáng kể. Khi muối dưa, nitrat trong rau sẽ bị vi sinh vật chuyển hóa thành nitrit.
Hàm lượng nitrit đặc biệt tăng cao trong mấy ngày đầu rồi giảm đi và mất hẳn khi dưa đã chua vàng. Như vậy, trong dưa muối xổi chứa nhiều nitrit, khi chúng ta ăn vào cơ thể, axit trong dạ dày sẽ tạo điều kiện cho nitrit tác động vào các axit amin từ các thực phẩm khác như thịt, cá… để tạo thành hợp chất nitrosamine.
Vì thế, để hạn chế quá trình hình thành nitrosamine trong cơ thể, chúng ta nên tránh ăn dưa, cà muối xổi, hoặc những loại dưa muối còn chưa đủ thời gian, dưa chưa vàng, ăn hãy còn cay.
Tuy nhiên, cũng không nên ăn quá nhiều dưa muối dù đã qua giai đoạn muối xổi, vì ngoài hợp chất nitrosamine, dưa muối thường khá mặn, việc ăn mặn cũng tăng nguy cơ gây ung thư, trong đó có ung thư dạ dày.