Mẹo giảm căng thẳng cho bệnh nhân ung thư
(Dân trí) - Sau khi nhận được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, cảm giác choáng ngợp và căng thẳng là điều bình thường. Có nhiều cách có thể giúp bạn lại chống lại cảm giác lo lắng, sợ hãi.
Cảm giác không chắc chắn về tương lai và những lo lắng về tài chính của bạn có thể gây ra một số phản ứng khác nhau, bao gồm cả đau buồn. Bạn có thể thấy mình khó ngủ vào ban đêm, cơ thể đau nhức, đau đầu và cảm thấy kiệt sức.
Dưới đây là một số mẹo giúp bệnh nhân ung thư giảm căng thẳng theo Webmd:
- Giữ một thái độ tích cực.
- Chấp nhận rằng có những việc bạn không thể kiểm soát.
- Hãy quyết đoán thay vì nóng nảy: Khẳng định cảm xúc, ý kiến hoặc niềm tin của bạn thay vì trở nên tức giận, chống đối hoặc thụ động.
- Học cách thư giãn.
- Tập thể dục thường xuyên: Cơ thể của bạn có thể chống lại căng thẳng tốt hơn khi bạn có đủ sức khỏe.
- Ăn các bữa ăn cân bằng.
- Nghỉ ngơi và ngủ: Cơ thể bạn cần thời gian để phục hồi sau những sự kiện căng thẳng.
- Đừng dựa vào rượu hoặc ma túy để giảm căng thẳng.
Học cách thư giãn
Có một số bài tập bạn có thể thực hiện để thư giãn - hít thở, thư giãn cơ bắp và tâm trí và nghe nhạc chỉ là một vài ý tưởng. Trước tiên, hãy đảm bảo rằng bạn có một vị trí yên tĩnh, không bị phân tâm. Bạn có thể ngồi hoặc ngả lưng trên ghế hoặc ghế sofa. Ngoài ra, hãy có một trạng thái tinh thần thoải mái - cố gắng ngăn chặn những lo lắng và suy nghĩ rắc rối.
Hai phút thư giãn
Chuyển suy nghĩ của bạn sang bản thân và hơi thở của bạn. Hít thở sâu vài lần, thở ra từ từ. Hãy dùng tinh thần để làm thư giãn cơ thể, chú ý những khu vực cảm thấy căng thẳng. Bạn hãy thả lỏng những vùng này, thả lỏng hết mức có thể.
Xoay đầu của bạn theo chuyển động tròn, trơn tru một hoặc hai lần. Nếu bất kỳ chuyển động nào gây đau, hãy dừng lại ngay lập tức. Sau đó hãy cuộn vai về phía trước và phía sau nhiều lần. Hãy để tất cả các cơ của bạn hoàn toàn thư giãn. Nhớ lại một suy nghĩ thú vị trong vài giây. Hít một hơi sâu nữa và thở ra từ từ.
Thư giãn đầu óc
Bạn hãy nhắm mắt lại, hít thở bình thường bằng mũi. Khi bạn thở ra, hãy thầm nói với chính mình từ "một", một từ ngắn như "yên bình" hoặc một câu ngắn khiến bạn thấy thư giãn. Tiếp tục trong 10 phút. Nếu tâm trí bạn vẩn vơ, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở bản thân nghĩ về nhịp thở và từ hoặc cụm từ bạn đã chọn để nhịp thở của bạn trở nên chậm và ổn định.
Thở sâu thư giãn
Hãy tưởng tượng một điểm ngay dưới rốn của bạn. Hít vào chỗ đó và lấp đầy không khí vào bụng. Để không khí tràn vào bụng bạn, sau đó xả hơi ra ngoài, giống như làm xẹp một quả bóng bay. Với mỗi lần thở ra dài và chậm rãi, bạn sẽ cảm thấy thư giãn hơn.