Stress làm tăng nguy cơ ung thư như thế nào?
(Dân trí) - Con người ngày càng chịu nhiều áp lực. Do đó, vấn đề stress cũng trở nên phổ biến hơn. Không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần, stress còn là căn nguyên làm tăng nguy cơ mắc bệnh, trong đó có ung thư.
Stress có nhiều mối liên quan tới ung thư
Có thể chia stress thành 2 loại: ngắn hạn, mạn tính. Trong đó, stress mạn tính có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất hơn.
Stress mạn tính là một phản ứng sinh học đối với áp lực liên quan đến cảm xúc, tâm trạng trong một khoảng thời gian dài. Stress mạn tính có thể mang lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần.
Những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe này có thể bao gồm: tăng nguy cơ mắc bệnh tim, các vấn đề về đường ruột, suy giảm nhận thức. Thậm chí, một nghiên cứu cho thấy rằng, stress mạn tính có thể kích hoạt một cơ chế thúc đẩy sự phát triển của các tế bào gốc ung thư.
Cụ thể, nghiên cứu được công bố trên Tạp chí “Journal of Clinical Investigation” cho thấy một loại hormone gây stress có tên là epinephrine tạo ra một loạt các phản ứng sinh hóa có lợi cho sự phát triển và lây lan của ung thư vú. Nghiên cứu này được coi là bằng chứng khoa học đầu tiên về tác động của stress mạn tính đối với sự phát triển của tế bào gốc ung thư.
“Bạn có thể tiêu diệt tất cả các tế bào bạn muốn trong một khối u, nhưng nếu các tế bào gốc hoặc tế bào mẹ không bị tiêu diệt thì khối u vẫn sẽ phát triển và di căn. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên kết của stress mạn tính với sự phát triển của tế bào gốc ung thư vú” - Tiến sĩ Keith Kelley, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết.
Bên cạnh đó, tình trạng stress mạn tính cũng thúc đẩy sản xuất các yếu tố tăng trưởng làm tăng nguồn cấp máu, từ đó tăng tốc độ phát triển của khối u ác tính.
Một mối liên kết khác giữa stress và ung thư sẽ khiến nhiều người phải bất ngờ. Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng, stress có thể là một tình trạng tương tự như dị ứng. Điểm giống nhau giữa 2 tình trạng này là đều gây phản ứng viêm trên cơ thể.
Trong khi đó, tất cả các bệnh ung thư đều có hai điểm chung: một loại protein gây stress lên tế bào có tên theo dạng “NF-kB...” và phản ứng viêm.
Cytokine là loại protein hỗ trợ cho các đáp ứng của hệ miễn dịch, bao gồm cả phản ứng viêm. Nghiên cứu được thực hiện ở Brazil vào cuối những năm 2000 đã chỉ ra mối liên hệ giữa nhiễm trùng, viêm và stress. Họ phát hiện ra rằng, những người đang bị stress luôn có hàm lượng cao các cytokine gây viêm thường trực trong cơ thể .
Các nội tiết tố do stress tạo ra còn có thể làm bất hoạt quá trình anoikis. Đây là quá trình tiêu diệt và ngăn ngừa sự lây lan của tế bào ung thư.
Làm việc căng thẳng làm tăng nguy cơ ung thư đến 30%
Các nhà nghiên cứu tại ĐH Montreal, Canada đã thực hiện một nghiên cứu để đánh giá mối liên quan giữa ung thư và stress liên quan tới công việc kéo dài ở nam giới.
Trung bình, những người tham gia nghiên cứu đã trải qua 4 công việc, một số người làm một công việc hàng chục năm hoặc lâu hơn trong suốt cuộc đời làm việc của mình.
Kết quả cho thấy bị stress liên quan tới công việc kéo dài trong thời gian 15-30 hoặc thậm chí là trên 30 năm có liên quan tới tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, đại tràng, trực tràng, dạ dày và bệnh lympho không Hodgkin.
Mối liên quan giữa stress do công việc và ung thư không được tìm thấy ở những người có công việc căng thẳng nhưng dưới 15 năm.
Những công việc gây stress nhất bao gồm: lính cứu hỏa, kỹ sư công nghiệp, kỹ sư hàng không vũ trụ, quản đốc cơ khí và nhân viên sửa chữa phương tiện, thiết bị đường sắt.
Ở phụ nữ, nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ ung thư vú tăng lên 30% đối với những người phải làm việc căng thẳng. Nghiên cứu này thực hiện trên 36.000 phụ nữ tuổi từ 30 đến 50 đang đi làm.
Sống lạc quan để phòng ngừa ung thư
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cảm giác vui vẻ có thể làm tăng số lượng kháng thể và các tế bào miễn dịch trong máu và nước bọt. Bên cạnh đó, việc cười nhiều còn kích thích các dây thần kinh giao giảm, giảm nồng độ hormone làm tăng sự căng thẳng: adrenaline (loại hormone được cơ thể tiết ra khi sợ hãi, tức giận), xoa dịu cảm giác mệt mỏi. Chưa dừng lại ở đó, cười giúp chúng ta tăng lưu thông máu, tăng tốc quá trình trao đổi chất và mang lại lại cảm giác tràn đầy sức sống.
Tổng kết lại, nếu chúng ta có một tinh thần lạc quan và thái độ tích cực với cuộc sống, khả năng miễn dịch cũng nhờ vậy mà tăng lên, điều này đồng nghĩa với việc sức mạnh nội tại giúp bạn chống lại các tế bào ung thư cũng được củng cố.